Câu chuyện từ 1 đồng đôla Mỹ và những bóng ma trên tượng Thần Tự do
09:55:00 15/05/2011
Cái giá mà loài người đương đại phải trả để có một nền kinh tế Mỹ siêu cường là quá nhiều máu đổ ở bên ngoài nước Mỹ, nhân tính ngày càng teo lại trước dục vọng vật chất và trước cả dư thừa vật chất, còn nỗi sợ hãi thì ngày càng phình to như những bóng ma trên bầu trời New York.
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Trân Châu Cảng rung chuyển, và nước Mỹ bàng hoàng. Lần đầu tiên kể từ sau kết thúc nội chiến năm 1865, người dân Mỹ thức dậy trong nỗi sợ hãi chiến tranh: không phải chiến tranh trong những bản tin hay trong những khái niệm, mà chiến tranh ở đây, trên chính đất nước được gây dựng bởi niềm tin được Chúa chở che và ban phước.
Chính phủ của Tổng thống Roosevelt hiểu rằng: nước Mỹ không thể an toàn ở Tân Thế giới được nữa, Đại Tây Dương không ngăn được chiến tranh tràn đến những bờ biển đẹp đẽ yên bình của họ. Họ không thể cứ làm ra vũ khí để bán cho những cuộc chiến ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Đã đến lúc họ phải sử dụng những vũ khí đó cho sự an toàn của bản thân mình.
Ngày 8 tháng 12 năm 1941, Tổng thống Roosevelt tuyên bố chiến tranh. Nếu người Nhật không tấn công Trân Châu Cảng, không ai dám chắc việc người Mỹ có cùng quân đội đồng minh đổ bộ vào Normandie hay không, càng không ai dám đưa ra một kịch bản khác cho kết cục của Thế chiến.
11 tháng 9 năm 2001, nước Mỹ lại một lần nữa sống trong nỗi sợ hãi bao trùm. Quân đội Mỹ hùng mạnh, chính phủ quyền lực nhất thế giới, uy danh của một siêu cường không bảo vệ được công dân của mình ngay trên lãnh thổ được cho là an toàn gần như tuyệt đối. Máu đã chảy dưới chân chính Nữ thần Tự do. Và cuộc sống vĩnh viễn không còn như trước nữa, đối với tất cả công dân Hoa Kì cũng như đối với tất cả những người yêu hoà bình trên toàn thế giới.
Việc những bộ phim về chiến tranh, về thảm hoạ và ngày tận thế nở rộ trên các màn ảnh rộng cũng như trên các kênh truyền hình chính là tấm gương phản chiếu nỗi sợ hãi đang từng ngày gặm nhấm trong tiềm thức mỗi con người hiện đại. Chúng ta đang sống trong một thế giới bất ổn và đầy đe doạ.
Trong suốt nhiệm kì của mình, chính quyền của Tổng thống Geogre Bush đã đeo đuổi việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (National missile defense - NMD) tại Đông Âu, trên lãnh thổ Ba Lan và Cộng hoà Czech. Tháng 9 năm 2009, Tổng thống Obama tuyên bố điều chỉnh kế hoạch NMD tại châu Âu: chuyển hướng chiến lược sang Nam Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 2 năm 2011, chính quyền Obama trình Quốc hội đề nghị tăng ngân sách cho dự án NMD lên đến 8,626 tỷ đô la cho năm 2012. Ngày 3 tháng 5 năm 2011, Romania cho phép Mỹ triển khai NMD tại khu vực biên giới Romania và Bulgaria.
Dường như đó là những bước đi được tính toán cẩn thận cho một mục đích: không chỉ để phòng thủ, quân đội Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ có khả năng tấn công bất kì mục tiêu nào nằm ngoài lãnh thổ mang biểu hiện đe dọa an ninh của Hợp chủng quốc. Nói một cách khác, nước Mỹ sẵn sàng gây chiến tranh ở quốc gia khác để tránh chiến tranh trên vùng đất được gắn mác tự do, bình đẳng và nhân đạo của mình.
Tiến trình triển khai NMD được cộng đồng quốc tế dõi theo từng bước, tạo nên những phản ứng đa chiều. Các tổ chức khủng bố chống Mỹ điên cuồng gửi đi những lời đe doạ và cả những tiếng bom nhằm vào quân đội Mỹ và những chính quyền thân Mỹ.
Còn với người dân Mỹ, dường như quyết tâm tăng cường sức mạnh quân sự của vị tổng thống da màu đã làm vơi đi phần nào nỗi sợ hãi ám ảnh họ suốt hơn thập kỉ qua: rằng cuộc sống bình yên và thịnh vượng của họ có thể mất bởi những khối căm thù đến từ bên ngoài nước Mỹ.
Quả thực, mỗi người dân Mỹ sống với một niềm tin gần như tuyệt đối về ân điển của Chúa trời ban cho một phần ba châu lục quá đỗi giàu có này. Niềm tin ấy được thần thánh hoá từ những ngày lập quốc, được vẽ thành biểu tượng trên quốc ấn, được biến thành gần gũi với mỗi người dân Mỹ trên tờ tiền giấy mệnh giá một đô la.
Câu chuyện về tham vọng bành trướng của nước Mỹ bắt đầu vào tháng 6 năm 1782, khi thư kí Hạ viện Charles Thomson đề xuất biểu tượng Kim Tự Tháp 13 bậc đang tiếp tục được xây cao hơn, bên trên là con mắt mang ánh hào quang thường được nhìn như mắt thần Horus, với hai dòng chữ La tinh ANNUIT COEPTIS (God approves of the undertakings) và NOVUS ORDO SECLORUM (A new order of the ages).
Những dòng chữ này có thể được hiểu như Chúa ban ân điển cho những gì chúng ta (nước Mỹ) đã và đang làm để bắt đầu một trật tự mới của thời đại. Những chữ số La Mã dưới chân Kim Tự Tháp là 1776 - năm của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, đánh dấu thời điểm bắt đầu của một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của nước Mỹ, của một đỉnh cao mới - một Kim Tự Tháp sẽ còn cao lên nữa, quy tụ toàn nhân loại.
Bởi lẽ, sự trù phú của đất đai, sự giàu có của thiên nhiên đa dạng trên một lãnh thổ cực kì rộng lớn sẽ đem đến sự thịnh vượng tất yếu - nền tảng của sức mạnh quốc gia. Đó cũng là nền tảng cho sự trỗi dậy định mệnh - Manifest Destiny của Tân thế giới. Khi mà chỉ với 15 triệu đô la, đất đai của Hợp chủng quốc được mở rộng thêm hơn 2 triệu km2 vào tháng 4 năm 1803 sau cuộc mua bán với Napoléon Bonaparte, rồi những cuộc chiến ngắn ngủi với Nga và Mexico dẫn đến việc sát nhập Alasca, Texas, California…
Tất cả như để chứng minh rằng Đấng toàn năng đã độ trì nước Mỹ. Và bởi thế, nước Mỹ được chọn để dẫn đường cho cả nhân loại, theo cách nói của Tổng thống thứ hai mươi tám Woodrow Wilson: Tôi tin rằng Chúa đã dẫn dắt từ thuở khai sinh của đất nước này, rằng chúng ta được chọn để chỉ đường cho các nước khác trên thế giới trong hành trình đi đến tự do. Hoa Kỳ là quốc gia lý tưởng duy nhất trên thế giới. Hoa Kỳ nhận được ân điển vĩnh hằng để thực hiện sứ mệnh cứu thế giới này. Chúng ta đến để cứu chuộc thế giới bằng tự do và công lý.
Ít nhất thì các thế hệ người Mỹ của hai mươi ba thập kỉ qua đã thành thực tin vào điều đó. Niềm tin đó tuyệt đối, ngây thơ và nguyên thuỷ đến nỗi, khi những tấn thảm kịch xảy ra, rất ít người đặt câu hỏi vì sao nước Mỹ lại có thể bị căm thù và bị ghét bỏ đến thế? Chính phủ Mỹ, quân đội Mỹ đã làm điều gì để đến mức những người phụ nữ có con nhỏ, những thanh niên nhút nhát hiền lành, thậm chí những đứa trẻ được sinh ra ở quá xa nước Mỹ… sẵn sàng đánh bom tự sát để giết được người Mỹ?
Tháng 2 năm 2003, thời điểm chính phủ Hoa Kỳ phát động cuộc chiến tại Iraq, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Dominique de Villepin - đại diện cho chính quyền của Tổng thống Jacques Chirac lên tiếng phản đối, kêu gọi gây dựng một diễn đàn cho hoà bình. Tiếng nói đó nhận được sự chia sẻ trong cộng đồng Pháp ngữ cùng những nước không thân Mỹ, tạo nên một đối trọng trong dư luận.
Tổng thống Geogre Bush đã lên án ông Chirac là vô ơn (ingrate), ám chỉ nước Pháp đã quên cuộc đổ bộ vào Normandie của người Mỹ và những người lính khác đến từ bốn châu lục, giải phóng Paris và cả thế giới khỏi hoạ phát-xít. Trên các phương tiện truyền thông tuyên truyền cho chiến tranh, trên các thăm dò dư luận được công bố, đa số người dân Hoa Kỳ đã tin là người Pháp vô ơn.
Câu chuyện Normandie quá tốt đẹp và bộ phim của đạo diễn tài năng Steven Spielberg "Giải cứu binh nhì Ryan" quá cảm động đã khiến cho rất nhiều người Mỹ hồn nhiên nhìn nhận cuộc chiến ở Iraq cũng được gắn lá cờ chính nghĩa là Tự do và Công lý như huyền thoại gần 60 năm trước.
Trong niềm tin hồn nhiên ấy, như thể chính người Mỹ đã tiêu diệu phát-xít, mang lại hoà bình cho thế giới. Và gần đây nhất, sự ngây thơ của người Mỹ thể hiện ở uy tín lên cao của Tổng thống Obama sau chiến công tiêu diệu Osama Bin Laden - người Arab lẽ ra vô danh nếu không mang lòng hận thù cực đoan với nước Mỹ, và nếu không kiên quyết bảo vệ đến cùng đức tin bị tổn thương của dân tộc mình.
Cứ như thể Bin Laden là kẻ thù định mệnh của nước Mỹ, và tiêu diệt được Bin Laden, nước Mỹ có thể ngủ yên, để an tâm thực hiện sứ mệnh xây dựng trật tự mới của thời đại - kỷ nguyên của nước Mỹ trên trái đất này.
Nhưng nếu quả thực sứ mệnh mà Chúa trời trao cho nước Mỹ là mang lại những giá trị Tự do, Bình đẳng và một nền dân chủ thực sự cho toàn thế giới, thì tại sao ngay trên chính đất nước của mình, sau 4 năm nội chiến đẫm máu với khẩu hiệu giải phóng nô lệ đầy tính nhân văn của miền Bắc tư bản công nghiệp, luật Jim Crow phân biệt chủng tộc một cách cực đoan vẫn thống trị nước Mỹ gần một trăm năm, cho đến tận 1964?
Tự do, Bình đẳng, Công lý vẫn là những ý niệm tốt đẹp nhưng xa vời, tồn tại trong một niềm tin đã bộc lộ sự mong manh của mình khi Julian Assange và WikiLeaks làm lúng túng cả một hệ thống chính trị hùng mạnh với rất nhiều đồng minh chỉ bằng những cuộc hội thoại, những bức điện chứa đựng không gì ngoài sự thật.
Trong khi đó, CocaCola, hamburger, gà rán Kentucky, tiếng Anh-Mỹ, phim Holywood và American Idol đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân toàn thế giới, tạo nên những lai căng văn hoá và những xung đột đức tin. Tự do và nhân quyền được sử dụng như một khẩu hiệu đẹp đẽ phủ lên những toan tính chính trị của một đất nước rộng lớn với những nhà tù như Guantanamo, nơi những người như cậu thanh niên 25 tuổi rụt rè Bradley Manning bị giam giữ và bị tra tấn mà không có bất kỳ phiên toà nào xét xử.
Vẫn luôn lên tiếng cho nhân quyền ở ngoài biên giới Mỹ, vậy mà bà Clinton đã làm ngơ trước hàng trăm cuộc biểu tình trong và ngoài nước Mỹ đòi trả tự do cho người thanh niên mang tội không chấp nhận bạo lực và dối trá ấy.
Thậm chí, đa số các chính trị gia Hợp chủng quốc đều cho rằng Brad Manning đã phạm tội phản bội khi để cho thế giới biết đến vụ thảm sát ngày 12 tháng 7 năm 2007 tại Baghdad, giết chết 18 dân thường trong đó có hai trẻ em, với thủ phạm là chiếc Apache của không lực Mỹ, với những tiếng cười vô tư của những người đến Iraq với lá cờ Tự do và Công lý khi xác nhận những xác chết nằm lại hiện trường.
Có thể Brad Manning đã phản bội lại cả một hệ thống tuyên truyền cho chiến tranh, nhưng anh trung thành với sự thật và với đức tin của mình. Khó có thể tin được rằng những Mỹ Lai, Guantanamo, Iraq… tất cả những tội ác chiến tranh ấy là vì Công lý, hay vì giấc mơ về quyền được sống và được mưu cầu hạnh phúc của con người? Hay chăng, suy cho cùng, giấc mơ Mỹ, giá trị Mỹ cuối cùng chỉ để nhắm đến một thế giới thực sự phẳng và đồng nhất về những tiêu chuẩn tiêu dùng và hưởng thụ, để thị trường cho người khổng lồ kinh tế Mỹ trải dài không biên giới?
Nếu là như vậy, thì cái giá mà loài người đương đại phải trả để có một nền kinh tế Mỹ siêu cường là quá nhiều máu đổ ở bên ngoài nước Mỹ, nhân tính ngày càng teo lại trước dục vọng vật chất và trước cả dư thừa vật chất, còn nỗi sợ hãi thì ngày càng phình to như những bóng ma trên bầu trời New York
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét