Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Mỹ phòng thủ tên lửa - 'vụ lừa đảo' xuyên thế kỷ trị giá 330 tỷ USD?

Mỹ đã chi hơn 330 tỷ USD cho phòng thủ tên lửa từ năm 1983 đến nay và đạt được hiệu quả rất hạn chế. Dù vậy, Washington vẫn muốn đổ thêm tiền để mở rộng quy mô ra toàn cầu.
Lầu Năm Góc dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố Đánh giá Phòng thủ tên lửa mới. Trong đó, Tổng thống Trump muốn mở rộng mạng lưới phòng thủ tên lửa ra toàn cầu, bằng cách triển khai hệ thống cảm biến trong không gian, nhằm tăng cường khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương.
Các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tiếp tục ca ngợi không gian là chìa khóa tiếp theo cho phòng thủ tên lửa. Đánh giá Phòng thủ tên lửa mới được xem là sự trở lại của Sáng kiến Chiến tranh giữa các vì sao do cựu Tổng thống Ronald Reagan đề xuất vào những năm 1980.

Những mối đe dọa bị thổi phồng

Joe Cirincione, Chủ tịch Quỹ Plowshares, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các sáng kiến ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, cho rằng phòng thủ tên lửa là "vụ lừa đảo kéo dài nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc" và Đánh giá Phòng thủ tên lửa mới tiếp tục truyền thống thêu dệt những mối đe dọa phi thực tế, tạp chí National Interest cho biết.
Nó làm cho công chúng, các nhà lập pháp sợ hãi với những cảnh báo về hơn 20 quốc gia có công nghệ tên lửa. Song thực tế chỉ có 3 quốc gia khiến Mỹ phải lo lắng là NgaTrung Quốc và Triều Tiên. Phòng thủ tên lửa hứa hẹn cung cấp chiếc khiên bảo vệ gần như hoàn hảo, nhưng thực tế rất ít các chương trình cụ thể có tính khả thi cao.
My phong thu ten lua - 'vu lua dao' xuyen the ky tri gia 330 ty USD? hinh anh 1
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất trong các lá chắn tên lửa của Mỹ, nhưng chỉ tập trung cho tên lửa tầm ngắn. Ảnh: MDA.
Tồi tệ hơn, những lời hoa mỹ thổi phồng về các mối đe dọa lại làm phức tạp thêm vấn đề mà phòng thủ tên lửa sẽ giải quyết, đó là cuộc chạy đua vũ trang mới không được kiểm soát.
“Tôi có một số văn bản từ các quan chức Lầu Năm Góc gửi cho Quốc hội, những người đã tuyên bố một cách long trọng vào những năm 1980, hứa hẹn về những công nghệ mới có hiệu quả và chi phí thấp sẽ sớm giúp Mỹ chấm dứt mọi vụ phóng tên lửa từ kẻ thù, bất kể chủng loại tên lửa và vị trí địa lý của cuộc tấn công”, ông Cirincione nói.
Một số nhà phân tích, quan chức từ lâu đã nhìn thấy sự hạn chế của phòng thủ tên lửa. Nó đã được chứng minh là không hiệu quả. Thay vào đó, phòng thủ tên lửa để lại di sản về các mối đe dọa bị thổi phồng, những lời hứa cao cả và kế hoạch hoành tráng, theo sau là việc triển khai các hệ thống phòng thủ hạn chế và thiếu sót.

Lý thuyết khác xa thực tế

Tổng thống Ronald Reagan là người khởi xướng phòng thủ tên lửa với bản kế hoạch Sáng kiến chiến tranh giữa các vì sao, được công bố vào ngày 23/3/1983. 10 năm sau khi bản kế hoạch được công bố với hàng chục tỷ USD được chi cho vũ khí năng lượng định hướng, vũ khí chùm hạt triển khai trong không gian, cuối cùng Lầu Năm Góc buộc phải kết luận, những khái niệm trên vẫn quá xa so với thực tế.
Kế hoạch phòng thủ tên lửa hoành tráng cuối cùng tập trung vào các tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất, có thể đánh chặn một hoặc hai tên lửa tầm xa. Kể từ đó, Mỹ tập trung vào phòng thủ chống lại các mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn dưới 3.000 km.
Các hệ thống như THAAD, Aegis BMD cho kết quả khá tốt trong các thử nghiệm. Tuy nhiên kế hoạch mở rộng Aegis BMD thành hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) không được các chuyên gia đánh giá cao.
My phong thu ten lua - 'vu lua dao' xuyen the ky tri gia 330 ty USD? hinh anh 2
GMD là hệ thống bị chỉ trích nhiều nhất vì tỷ lệ thành công trong các thử nghiệm rất thấp. Ảnh: MDA.
Hệ thống được kỳ vọng và tốn kém nhất lại cho kết quả thất vọng nhất. Hệ thống phòng thủ tên lửa dựa trên mặt đất (GMD) được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa lại cho kết quả rất tệ trong các thử nghiệm. Trong 19 lần thử nghiệm từ năm 1999-2017, có đến 9 lần thất bại. Đặc biệt các thử nghiệm từ năm 2010-2013 đều không thành công.
Theo một điều tra của Los Angeles Times, 30 trong số 40 tên lửa đánh chặn được triển khai đến các căn cứ bị lỗi bảng mạch có thể khiến tên lửa trượt mục tiêu. Một chi tiết được các chuyên gia nhấn mạnh nhiều lần là thử nghiệm diễn ra trong điều kiện quá lý tưởng. Không có thử nghiệm nào được thực hiện với mồi nhử để kiểm tra khả năng của tên lửa trong việc phân biệt đầu đạn và mồi bẫy khi nó tách khỏi thân tên lửa.
“Những thành công khiêm tốn này cho thấy sự thất bại từ phía những người phác thảo bản Đánh giá phòng thủ tên lửa. Những người luôn nói về một cái gì đó tham vọng hơn, nhưng họ thiếu các chương trình thực tế và họ cố bù đắp bằng các mục tiêu mới”, ông Cirincione nói.
My phong thu ten lua - 'vu lua dao' xuyen the ky tri gia 330 ty USD? hinh anh 3
Hệ thống Aegis BMD của Hải quân Mỹ phóng tên lửa đánh chặn trong một thử nghiệm. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Vị chuyên gia từng là thành viên Ủy ban Cố vấn An ninh Quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng khi mục tiêu cũ chưa hoàn thành được, bản Đánh giá phòng thủ tên lửa mới lại mở ra cánh cửa cho những mục tiêu mới còn viễn vong hơn.
Nói về bản Đánh giá phòng thủ tên lửa mới, Tổng thống Trump tuyên bố: “Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản, phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được phóng lên chống lại nước Mỹ ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào”.
Ông Cirincione cho rằng những gì Tổng thống Trump nói rất đơn giản nhưng giữa nói và làm rất khác xa nhau, thậm chí là phi thực tế. Đến nay, Mỹ đã chi 330 tỷ USD cho phòng thủ tên lửa kể từ năm 1983, những gì mà lá chắn trị giá hàng trăm tỷ USD này có thể làm được là cố gắng chống lại mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Nó cũng có thể bắn trúng một vài ICBM nếu đối phương hợp tác không triển khai các biện pháp đối phó đi cùng.
Kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa ra quy mô toàn cầu gần như là điều không thể thực hiện được, ít nhất là về mặt chi phí. Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Quốc gia công bố vào năm 2012, nếu muốn xây dựng hệ thống phòng thủ trên không gian để chống lại tên lửa đạn đạo phóng từ Triều Tiên, cần tới 650 vệ tinh với chi phí khoảng 300 tỷ USD.
Một nghiên cứu khác của Hiệp hội Vật lý Mỹ vào năm 2003, một lá chắn không gian toàn cầu cần ít nhất 1.600 vệ tinh được vũ khí hóa để có thể phóng tên lửa đánh chặn từ bất kỳ vị trí nào. Chi phí cho hệ thống này có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Quỹ Plowshares cũng có một nghiên cứu cho thấy ngay cả khi hệ thống toàn cầu như vậy được xây dựng, đối phương có thể dễ dàng áp đảo nó bằng cách phóng hàng loạt tên lửa rẻ tiền cùng lúc.
Ngoài ra, kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa toàn cầu sẽ kích động cuộc chạy đua vũ trang không thể kiểm soát được. Ông Cirincione kết luận hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ không giúp cho nước Mỹ và người dân an toàn hơn, mà chính nó lại tạo ra nhiều mối đe dọa hơn cho nước Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét