Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Từng bị ghẻ lạnh, Nga vẫn trỗi dậy mạnh mẽ: Phương Tây có thể học gì từ thành công của Putin?

Từng bị ghẻ lạnh, Nga vẫn trỗi dậy mạnh mẽ: Phương Tây có thể học gì từ thành công của Putin?
Xử lý ảnh: Đỗ Linh

Ông Putin làm chính trị sắc sảo và khéo léo hơn các nhà lãnh đạo phương Tây, cả về khía cạnh nắm bắt cơ hội hay kết thân với các đồng minh, tạp chí Economist bình luận.

Mới đây, tạp chí The Economist (Anh) đã đăng tải một bài bình luận có tựa đề "The West should learn some lessons from Vladimir Putin’s success" (Phương Tây nên học hỏi vài điều từ thành công của ông Vladimir Putin), trong đó phân tích những thành tựu của ông Putin trên toàn thế giới và rút ra bài học dành cho phương Tây.
Sau đây là nội dung lược dịch của bài viết này:

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Brisbane, Australia tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào 5 năm trước, ông đã bị các nguyên thủ khác cô lập, đối xử lạnh nhạt, bị gạt ra rìa "thế giới văn minh" sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và vụ chiếc máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ khi đang chở nhiều hành khách người Hà Lan và Australia.
Trước đó, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tuyên bố đuổi Nga khỏi nhóm G7, đồng thời áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hà khắc nhằm gây sức ép đối với ông Putin vì những sự kiện và vụ việc kể trên.
Tại hội nghị G20 Brisbane năm 2014, nhiều nhà lãnh đạo thậm chí đã từ chối chào hỏi nhà lãnh đạo Nga. Cuối cùng, ông Putin đã quyết định ra về sớm, trong sự bẽ bàng và chua chát.
Thế nhưng, 5 năm sau, ông Putin giờ đây đang đứng trên sân khấu chính trường thế giới, trở thành nhà môi giới quyền lực, người hòa giải trong cuộc xung đột ở Trung Đông, thiết lập liên minh chiến lược với Trung Quốc và gây chia rẽ trong liên minh NATO.

Sự trở lại hoành tráng
Chính tại dinh thự của ông Putin ở Sochi, Nga, chứ không phải ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida) của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mới là nơi nhà lãnh đạo Nga cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đạt được thỏa thuận được cho là quyết định đối với vận mệnh của Syria hôm 22/10 vừa qua.
Và chỉ một ngày sau đó, Sochi đã tiếp tục trở thành địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi hoành tráng, với sự tham dự của khoảng 40 nhà lãnh đạo châu Phi mong muốn kí kết các thỏa thuận đầu tư và hợp đồng vũ khí với Nga.
Cuộc gặp gỡ của ông Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã củng cố thêm vị trí thống lĩnh của Nga tại Trung Đông bằng thỏa thuận về quyền kiểm soát quân sự chung tại khu vực từng là lãnh thổ của người Kurd.
Từng bị ghẻ lạnh, Nga vẫn trỗi dậy mạnh mẽ: Phương Tây có thể học gì từ thành công của Putin? - Ảnh 2.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Getty
Đầu tháng này, ông Putin cũng được Thái tử Ả Rập Saudi Muhammad bin Salman tiếp đón hết sức nồng nhiệt trong chuyến thăm quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới này. Điều này cho thấy nước Nga - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới - đang có vị thế tốt hơn trong ngành công nghiệp này, đồng thời có trong tay khả năng tác động tới sản lượng và giá dầu.
Tại châu Á, ông Putin còn phát triển mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng coi nhà lãnh đạo Nga là một đối tác giá trị, là người có thể giúp quốc gia châu Á này gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. Ông Putin đã cam kết giúp đỡ "người bạn" Trung Quốc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về đòn tấn công hạt nhân, một thỏa thuận được cho là càng khiến Bắc Kinh có lợi hơn trên cán cân quyền lực toàn cầu.
Thái độ của châu Âu đối với Nga cũng đang dần thay đổi nhờ vào ảnh hưởng của ông Putin tại Trung Đông và mối quan hệ thân thiết của Nga và Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lập luận rằng tầm quan trọng của Nga quá lớn, do đó châu Âu không nên gạt Nga ra rìa và cần đưa Nga trở lại cấu trúc an ninh của mình.
Và Ukraine, quốc gia láng giềng của Nga đã thiệt hại 13.000 người trong cuộc chiến ở Donbass, hiện đang phải chịu sức ép từ cả Mỹ và châu Âu về vấn đề hòa giải xung đột với Nga, đã mở đường cho quyết định dỡ bỏ trừng phạt Moskva.
"Chơi" theo cách của Putin
Làm sao một quốc gia từng có nền kinh tế chỉ nhỏ cỡ như Tây Ban Nha, vấn nạn tham nhũng kinh khủng không kém gì Papua New Guinea và tuổi thọ trung bình của người dân còn thấp hơn ở Libya có thể đạt được những thành tựu to lớn đến vậy?
Việc hiện đại hóa quân đội đóng vai trò rất lớn trong việc đưa Nga trở lại chính trường quốc tế. Trong vòng 2 thập kỷ qua, Tổng thống Putin đã giúp quân đội Nga "lột xác" từ một lực lượng quản lý kém, thiếu thốn trang bị, trở thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp với kho khí tài tân tiến.
Từng bị ghẻ lạnh, Nga vẫn trỗi dậy mạnh mẽ: Phương Tây có thể học gì từ thành công của Putin? - Ảnh 4.
Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Reuters
Tất nhiên, nếu nói về thành công của nước Nga, thì không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng khác, đó là việc ông Putin làm chính trị sắc sảo và khéo léo hơn các nhà lãnh đạo phương Tây, cả về khía cạnh nắm bắt cơ hội hay kết thân với các đồng minh.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đặt ra những chỉ giới đỏ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, nhưng lại không chuẩn bị biện pháp vũ lực để bảo vệ chúng. Đầu tháng này, Tổng thống Trump đã "bỏ rơi" các đồng minh người Kurd khi bất ngờ tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Bắc Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ tấn công khu vực này.
Ông Putin nhận ra rằng việc phương Tây (đặc biệt là Mỹ) có thái độ dè dặt khi đứng trước lựa chọn biện pháp vũ lực đã tạo ra một khoảng trống quyền lực. Theo cách này, Nga hoàn toàn có thể tiến hành tấn công Ukraine và chiếm giữ các căn cứ cũ của Mỹ, hay oanh tạc các mục tiêu dân sự-quân sự tại Syria mà không lo phương Tây trả đũa.
Việc ông Putin ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã khiến nhiều quốc gia Trung Đông khác như Ả Rập Saudi - vốn là đồng minh của Mỹ - càng thêm tin tưởng vào lập trường kiên định của nhà lãnh đạo Nga khi ông nói sẽ ủng hộ các nước này. Trong khi đó, ấn tượng về phương Tây trong mắt các quốc gia này là những quốc gia hay thay đổi và giáo điều.
Đứng trước sự hung hăng của Nga, phương Tây thường có xu hướng lùi bước. Đó là một sai lầm, và chắc chắn ông Putin sẽ không làm như vậy nếu ông ấy ở vị trí của ông Trump hay ông Macron. Ông Putin sẽ giữ vững lập trường và tìm kiếm những điểm yếu của đối thủ để khai thác.
Tuy nhiên, phía sau thành công của Tổng thống Putin vẫn còn những điểm yếu.
Ở nước ngoài, ông Putin đang phải đối diện với những khó khăn khi là đối tác yếu hơn của Trung Quốc. Còn ở trong nước, ông Putin và chính quyền Nga cũng đang "đau đầu" với hàng loạt vấn đề như vấn nạn tham nhũng, thu nhập thực tế của người dân liên tục giảm trong 6 năm liền, hay sự bất mãn của người Nga đối với chính sách tăng tuổi hưu.
Trước đây, người dân Nga từng rất hào hứng trước những chuyến "phiêu lưu" quân sự đắt đỏ của ông Putin, nhưng giờ đây thái độ của họ đã thay đổi.
Do đó, phương Tây không nên khuyến khích chủ nghĩa phiêu lưu của ông Putin, mà hãy học tập một cách có chọn lọc: hỗ trợ đồng minh, tận dụng thế mạnh, đừng chùn bước trước áp lực và đừng tạo ra khoảng trống mà đối thủ của mình có khả năng lợi dụng. Để đối đầu với nhà lãnh đạo cứng rắn như ông Putin, phương Tây cần một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét