Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

Sau loạt vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 (khi các phần tử al-Qaeda dùng 4 máy bay chở khách đâm vào các biểu tượng của nước Mỹ và giết hại 3.000 người vô tội), Mỹ đem quân đánh Afghanistan và Iraq, lật đổ chóng vánh chế độ Taliban và chế độ Saddam Hussein. Thế nhưng ngay sau đó cường quốc này phải vật lộn hàng năm trời ở vùng Trung Á và Trung Đông. Và đến bây giờ lại “mọc” thêm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) còn nguy hiểm hơn cả al-Qaeda và Taliban. Từng tuyên bố phát động cuộc “thập tự chinh” chống chủ nghĩa khủng bố nói chung và al-Qaeda nói riêng, nước Mỹ dường như lại quay về vạch xuất phát.

hau khung bo 11/9: my "tranh vo dua gap vo dua" hinh 0Vụ tấn công 11/9 (ảnh: internet)

Nhớ lại năm 2003, Mỹ đã vin cớ vũ khí hủy diệt hàng loạt và mối liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda để xâm lược Iraq. Khi ấy Tổng thống Iraq Saddam Hussein một mực phủ nhận cả 2 điều này, nhưng Mỹ đã ngụy tạo thông tin tình báo để làm tới. Sau khi lật đổ xong chế độ Saddam, chiếm trọn nước Iraq, họ vẫn không tìm nổi bằng chứng cho cả hai cái cớ nói trên.

Không những vậy Mỹ còn sa vào bãi lầy chiến tranh ở cả hai quốc gia này, dù al-Qaeda hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Riêng Iraq từ chỗ tương đối yên ả trở thành thiên đường khủng bố với các cuộc đánh bom tự sát tàn bạo hoặc là nhằm vào quân Mỹ và chính quyền Iraq hậu Saddam hoặc là để thanh toán lẫn nhau giữa các giáo phái Iraq.

Thành ra người ta phải đặt nghi vấn về sự thành công của nước Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

>> Xem thêm: Đằng sau vụ khủng bố vô tiền khoáng hậu 11/9

Chưa kể, những gì họ làm ở Iraq dường như hoàn toàn phản tác dụng. “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS) ở Iraq và Syria mới nổi lên trong năm 2014 tựa như trái đắng của chính sách Mỹ ở Trung Đông.

“Nhà nước Hồi giáo” tự xưng

Khối u này mọc lên sau sự can thiệp của người Mỹ và đang lây lan nhanh chóng ở Iraq và Syria.

Giới truyền thông và quan sát quốc tế ghi nhận IS mạnh hơn hẳn al-Qaeda. Bản thân lãnh đạo Mỹ, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cũng thừa nhận IS “đẳng cấp” hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác.

IS vượt lên trên các nhóm khủng bố thông thường (bao gồm cả al-Qaeda) khi chủ trương chiếm lĩnh lãnh thổ. IS có nhiều nét của một đội quân chính quy với hệ thống chỉ huy tập trung và thống nhất, hệ thống liên lạc mạnh, cấu trúc tinh vi, tính kỷ luật cao và sự thiện chiến (khác với quân đội Iraq do Mỹ dựng lên thường có vấn đề về tham nhũng và kỹ năng chiến đấu).

hau khung bo 11/9: my "tranh vo dua gap vo dua" hinh 1Phiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) (ảnh: website phiến quân)

Nguồn tài chính cho IS lại dồi dào từ việc bán đầu, bắt cóc tống tiền, quyên góp của tín đồ (bao gồm người ở các nước vùng Vịnh giàu có), từ các nhóm Hồi giáo yếu hơn bị chinh phục (mà các nhóm này nhận được tiền và vũ khí từ các nước muốn lật đổ Tổng thống Syria Assad). Lời kêu gọi thành lập caliphate có ma lực lớn đối với nhiều người Hồi giáo, thu hút rất nhiều tân binh và nguồn tài chính ủng hộ. Ở mức độ nào đó, có thể xem IS như một hệ thống kinh tế tự túc thời chiến, với các “ban ngành”, tòa án, hệ thống thuế… riêng.

Là Hồi giáo cực đoan nhưng IS tỏ ra giỏi “PR” và sử dụng thành thục các mạng xã hội cho mục đích tuyên truyền. "Đương kim" thủ lĩnh Baghdadi của IS còn khá trẻ (sinh năm 1971) và nhiều nguồn tin khẳng định, y sở hữu bằng tiến sĩ.

>> Xem thêm: Tổ chức Hồi giáo IS vận hành quy củ như 1 chính phủ hiện đại

Không những vậy, có nhiều người Mỹ và châu Âu mê muội lại “mến mộ” tổ chức này và tình nguyện tham gia thánh chiến cho IS, khiến phương Tây cảm thấy rất bất an.

IS tạo ra mối nguy không chỉ tại Iraq và Syria mà trên phạm vi toàn thế giới. Chúng đặt mục tiêu trở thành “nhà nước” của tất cả người Hồi giáo trên toàn cầu.

IS vừa mạnh vừa ghê rợn và phản động. Chính các nước Hồi giáo nổi bật và đông dân như Saudi Arabia, Iran và Indonesia cũng quay lưng lại với phong trào mang danh Hồi giáo này. Chính trong cộng đồng Hồi giáo nhiều người đã coi IS là phi Hồi giáo. Còn Mỹ thì đang khổ sở tìm đủ phương kế và liên minh để đối phó với IS.

Nhìn lại lịch sử, đạo Hồi vốn mang trong mình tính cách mạnh mẽ của các tộc người Arab du mục ham chiến trận. Trong quá khứ xa xưa đã có những cuộc chiến tranh tôn giáo giữa hai phe thuộc đạo Kitô và đạo Hồi.

Tuy nhiên trên thực tế, không chỉ có đạo Hồi đơn thuần mà còn xuất hiện chủ nghĩa Hồi giáo hay còn gọi là đạo Hồi chính trị. Chủ nghĩa Hồi giáo là cách giải thích có tính cứng rắn và truyền thống về các giáo lý của đạo Hồi. Nó chủ trương đạo Hồi phải nhập thế, và phải xây dựng thể chế chính trị cho tôn giáo này. Riêng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan còn diễn giải kinh Koran theo hướng bóp méo.

Hệ tư tưởng của IS hiện nay chính là chủ nghĩa Hồi giáo ở dạng cực đoan nhất (đến nhóm khủng bố al-Qaeda còn phải thấy sợ IS).

Dấu ấn chủ nghĩa can thiệp

Thực tiễn cũng chỉ ra phong trào IS không hoàn toàn là do yếu tố nội sinh của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

IS chắc chắn sẽ khó ra đời và tác oai tác quái như vừa qua nếu không có những sự can thiệp và dung dưỡng từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cả về dài hạn và ngắn hạn.

Ban đầu, chủ nghĩa Hồi giáo phát triển trước ảnh hưởng và xâm nhập của phương Tây đối với thế giới Arab và Hồi giáo trong các thế kỷ 18-19. Đầu thế kỷ 20, đế chế Ottoman rộng lớn của những người Hồi giáo bị phương Tây góp phần làm cho tan rã, khiến những phần tử Hồi giáo cực đoan thêm hậm hực. Sau Thế chiến thứ 2, Mỹ bắt đầu can dự mạnh mẽ vào Trung Đông – một sự can dự kéo dài sang cả thế kỷ 21 và đã vấp phải phản ứng gay gắt trong cộng đồng Hồi giáo ở khu vực này.

Lịch sử phong trào IS phản ảnh rất rõ dấu ấn can thiệp và những ván bài “kép” của Mỹ trong đầu thế kỷ 21.

IS bắt nguồn từ chi nhánh al-Qaeda ở Iraq - được thành lập vào năm 2004 sau khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003. Đến năm 2006, tổ chức này phát triển thành cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq. Đến năm 2010 Baghdadi trở thành thủ lĩnh IS. Dưới trướng Baghdadi, sang năm 2013, IS mở rộng sang Syria đang ngập chìm trong nội chiến. Đến tháng 6/2014, IS tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo” với tư cách là một caliphate vắt qua lãnh thổ Iraq và Syria, có định hướng phát triển ra toàn vùng Levant và tất cả các nước có nhiều người Hồi giáo.

Hàng ngũ IS bao gồm một số cựu tướng lĩnh dưới chế độ Tổng thống Saddam Hussein (bị Mỹ lật đổ năm 2003).

Như vậy sự phát triển của IS gắn liền với quá trình can thiệp của Mỹ vào Iraq và Syria.

hau khung bo 11/9: my "tranh vo dua gap vo dua" hinh 2Liên quân Mỹ-Anh xâm nhập lãnh thổ Iraq, lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam (ảnh: Reuters)

Thế giới đã rõ về bài học tạo cớ khi Mỹ phát động chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003. Tuy lật đổ thành công đảng Baath của ông Saddam và dựng lên chính phủ thân Mỹ ở đây, họ lại tạo ra một khoảng trống nguy hiểm cho cuộc chiến giáo phái tàn khốc cùng với tư tưởng bất mãn trong dân chúng địa phương về những cái cớ ngụy tạo của người Mỹ.

Trước kia, vào những năm 1980 Mỹ (cùng với hàng loạt nước Arab, nhất là các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực) đã rất hồ hởi ủng hộ chế độ Saddam Hussein do ông này dám phát động chiến tranh chống Iran – đất nước của số đông người Shiite (chiếm khoảng 90% dân số) và vừa trải qua Cách mạng dân tộc dân chủ và Cách mạng Hồi giáo kinh thiên động địa. Chính quyền Iraq thế tục vừa muốn làm bá chủ Trung Đông khi đó, vừa sợ cách mạng Hồi giáo ở Iran sẽ lan sang nước mình cũng có đông người Shiite.

Khi đó Mỹ và các đồng minh khu vực thấy Iraq là công cụ đối phó với “nguy cơ Iran” nên ra sức ủng hộ (thậm chí tình báo Mỹ còn cung cấp thông tin tình báo và cả vũ khí hóa học cho quân đội Iraq).

Tiếp tục canh bạc nguy hiểm

Đến khi Mỹ ở vào thế đối đầu với Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì con bài Iraq làm thế đối trọng với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Sau khi thua trong cuộc chiến này, Iraq bị suy yếu về mọi mặt và các cuộc nổi dậy bùng phát trên toàn lãnh thổ Iraq làm lung lay chế độ Saddam. Nhưng Mỹ vẫn làm ngơ, không trợ giúp gì cho các cuộc nổi dậy đó (khác hẳn với năm 2003 khi Mỹ đã chán ngấy ông Saddam). Và nhờ đó Tổng thống Saddam đã trấn áp dữ dội phong trào nổi dậy, giữ vững quyền lực của mình.

hau khung bo 11/9: my "tranh vo dua gap vo dua" hinh 3Quân đội Syria ăn mừng chiến thắng trước các phe phiến quân đối lập (ảnh: shiachat)

Đến khi nội chiến Syria nổ ra, lại xuất hiện các phe vũ trang đối lập với chính thể của Tổng thống Assad. Canh bạc nguy hiểm của Mỹ và một số nước Trung Đông không ưa Assad lại bắt đầu. Họ dung dưỡng các phái vũ trang (cả thế tục và Hồi giáo) chống lại ông Assad. Và chính tình trạng hỗn loạn ở Syria tạo điều kiện cho phong trào IS - vốn thuộc về Iraq - phát triển vượt biên giới sang Syria và “đóng đô” ở Raqqa thuộc miền bắc Syria.

Điều nực cười là tiền bạc và vũ khí mà Mỹ, phương Tây và đồng minh Arab viện trợ cho các phe đối lập Syria ôn hòa đã ít nhiều rơi trực tiếp hoặc gián tiếp vào tay IS, làm cho tổ chức này càng lớn mạnh thêm.

Do mải đối phó Tổng thống Assad nên từ trước đến nay, Mỹ và đồng minh không thể liên kết với ông Assad để dập tắt hiểm họa IS. Đến giờ, khi nước sôi lửa bỏng, Mỹ vẫn chưa chịu xin phép Syria để được oanh kích các vị trí IS ở Syria. Cách tiếp cận của Mỹ hiện nay ở Syria vẫn là hỗ trợ các phe đối lập trung dung để đối phó với IS. Mỹ sợ làm cho phe ông Assad mạnh lên.

Ngược lại, chính quyền Assad thấy rõ “ngón nghề” của Mỹ nên đã tương kế tựu kế.Trước mắt do tình thế, họ chỉ tập trung diệt các nhóm đối lập thân Mỹ. Thứ hai, có nhiều dấu hiệu cho thấy trong giai đoạn ban đầu, họ chủ động làm ngơ với nhóm IS, để cho IS “ngoạm” lực lượng đối lập còn lại (IS thù nghịch cả ông Assad lẫn phe đối lập còn lại). Đồng thời qua đó Syria cũng muốn mở mắt phương Tây, làm cho họ thấy rõ ai mới là chính nghĩa. Và hiển nhiên đối với phương Tây, nếu phải chọn một, thì chế độ Assad dễ chịu hơn IS rất nhiều.

Thế rồi nhóm cực đoan IS đặt ra tình huống đặc biệt nguy hiểm đối với chế độ Assad. Vào tháng 6/2014, IS tuyên bố về nhà nước Caliphate vắt qua lãnh thổ của cả Syria và Iraq, với thủ đô đóng ở thành phố Raqqa thuộc Syria. Quân IS tiến như vũ bão, tàn sát cả quân và dân Syria. Trong khi đó, phe đối lập ôn hòa Syria kêu gọi Mỹ không kích vào các vị trí của IS trên đất Syria, bất chấp ý kiến của Tổng thống Assad.

Trước tình thế này, Syria đã phản ứng kiên quyết bằng hàng loạt cuộc không kích dữ dội vào các cơ sở của IS ở Syria. Điều này vừa chặn đà tiến của phiến quân IS vừa gửi đi thông điệp cho Mỹ: Syria rất hợp tác chống khủng bố và Mỹ không nên can thiệp đơn phương vào tình hình Syria. Về mặt chính thức, Syria cũng đã lên tiếng sẽ nỗ lực hết mình chống IS.

Tóm lại, “đại dịch” IS hiện nay trước hết là chiếc boomerang được tạo bởi chính sách của Mỹ đối với Iraq và Syria, đang phản lại chính nước Mỹ và phương Tây. Họ cố gắng tính kỹ nhưng vẫn lộ nhiều sơ hở.

Để chống IS hiệu quả, từ góc độ chính sách đối ngoại Mỹ, một điều quan trọng là họ cần dũng cảm xếp sang một bên các hiềm khích và tầm nhìn ngắn hạn để có thể hợp tác hiệu quả với cả đối thủ Syria và Iran./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét