Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Mỹ mất ngôi đầu tác chiến điện tử vào tay Nga?

Khi nói về cán cân tác chiến điện tử Nga-Mỹ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work đã thừa nhận Washington đang mất dần lợi thế vào tay Moscow.
 >> Mỹ và cuộc đua phát triển tác chiến điện tử với Nga
 >> Mỹ lo ngại trước hệ thống tác chiến điện tử mới nhất của Nga

Mỹ lo lắng
Tạp chí Armyrecognition dẫn thông cáo báo chí của Bộ quốc phòng Nga cho biết, Quân đội Nga sẽ đưa vào hoạt động khoảng 20 loại hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới trong thời gian sắp tới và đây chỉ là một phần trong chương trình mua sắm quốc phòng của Nga trong năm 2015.
Trong đó có ít nhất 10 loại hệ thống tác chiến điện tử đã hoàn tất quá trình phát triển và đã được Bộ quốc phòng Nga đặt hàng. Các hệ thống tác chiến điện tử mới này bao gồm: Krasukha-2, Murmansk-BN, Borisoglebsk-2, Krasukha-S4 và Svet-KU.
Trước đó, Quân đội Nga cũng đã bắt đầu đưa vào trang bị số lượng hạn chế các tổ hợp tác chiến điện tử mặt đất tiên tiến như Borisoglebsk-2V hay Moskva-1 cho một số lữ đoàn bộ binh cơ giới.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga luôn xếp thứ hai sau Mỹ về lĩnh vực này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây khả năng trinh sát và tác chiến điện tử của Nga đang được nâng cao rất mạnh thì Mỹ lại có dấu hiệu thụt lùi, sau khi dốc toàn lực đấu với các đối thủ “dưới cơ” như Iraq, Lybia hay tổ chức khủng bố IS.
Hồi tháng 3/2015, Mỹ đã thành lập Ủy ban Tác chiến điện tử, do Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua bán vũ khí Frank Kendall và phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - Đô đốc James Winnefeld lãnh đạo.
Theo thông báo của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work, Uỷ ban này sẽ tìm cách giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giữ vững lợi thế trong lĩnh vực tác chiến điện tử. “Chúng tôi vẫn đang dẫn đầu, nhưng tôi nghĩ rằng vị thế này đang dần mai một một cách nhanh chóng”, ông Work nói.
Vào năm 2014, Hội đồng khoa học quốc phòng Hoa Kỳ đã đề nghị phân bổ thêm 2 tỉ USD trong ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường khả năng tác chiến điện tử. Vấn đề này đã trở nên cấp bách sau khi hàng loạt điểm yếu của các hệ thống vũ khí Mỹ bị phanh phui.
Pod tác chiến điện tử Khibiny trên cánh máy bay Su-34.
Pod tác chiến điện tử Khibiny trên cánh máy bay Su-34.
Ví dụ như loại máy bay hiện đại bậc nhất của Mỹ là F-35 có chi phí phát triển lên tới 400 tỉ USD, nhưng rất dễ biến thành “bia bay” nếu không được hỗ trợ bởi máy bay tác chiến điện tử F-18 Growler. Hay tàu tác chiến ven bờ lớp Freedom của Mỹ có những lỗ hổng bảo mật an ninh mạng máy tính rất lớn.
Hay trong vụ việc máy bay Su-24 Nga áp chế hoàn toàn hệ thống radar cảnh báo sớm và điều khiển vũ khí trên khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke số hiệu DDG-75 USS Donald Cook trên biển Đen tháng 4/2014, chiếc cường kích này được cho là đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Khibiny tối tân của Nga.

Trước đó, Nga cũng đã sử dụng tổ hợp tác chiến điện tử 1L222 Avtobaza bắt sống một chiếc máy bay trinh sát không người lái MQ-5B của Mỹ. Thiết bị tác chiến điện tử của Nga đã cắt đường truyền thông tin điều khiển và cướp quyền kiểm soát, ép một chiếc của Mỹ hạ cánh xuống bán đảo Crimea.
Nga trang bị mới
Theo một số nguồn tin, hiện Nga đang phát triển hàng loạt hệ thống trinh sát và tác chiến điện tử mới cơ động dưới mặt đất và mang theo máy bay, hoặc lắp đặt trên các chiến hạm.
Các hệ thống mặt đất có Krasukha-2 và Krasukha-4 của Tập đoàn công nghệ điện tử - radio của Nga (KRET). Tổ hợp Krasukha-4 được nâng cấp mạnh trên cơ sở Krasukha-2, là trạm dải tần rộng gây nhiễu âm thanh mạnh, module đa năng đặt trên mặt đất gây nhiễu dùng để bảo vệ các công trình, mục tiêu cố định.
Các tổ hợp này có khả năng gây nhiễu, chế áp điện tử chống đài radar trên máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm, chống radar trên máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay không người lái… và đài radar trên vệ tinh trinh sát Lakross của Mỹ, ở phạm vị ngoài 300km.
Tập đoàn quốc doanh Rostec đã cung cấp cho quân đội Nga những hệ thống tác chiến điện tử “Moskva-1” đầu tiên. Tổng giám đốc của Rostec là ông Kolesov khẳng định hiện không có nước nào trên thế giới sở hữu những hệ thống như Moskva.
Hệ thống này ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mới nhất và cho phép radar thụ động quét trên không trong khoảng cách 400km, phát hiện và cung cấp số liệu về mục tiêu cho các hệ thống phòng không và máy bay, cùng các hệ thống điện tử khác, điều khiển chúng vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt kẻ địch.
Hiện Nga đang phát triển Divnomorie - hệ thống có tính năng mạnh và phức tạp hơn nhiều so với Moskva. Bộ Quốc phòng Nga dự định giới thiệu vào quý 1 năm 2016. Theo ông Kolesov, Divnomorie thực sự có thể “giải quyết cả vấn đề phòng thủ vũ trụ”.
Hiện nay, hệ thống “Khibiny” của Nga đã được thử nghiệm trên hàng loạt loại máy bay chiến đấu mà gần đây nhất là vào tháng 6 vừa qua, 1 nhóm máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Nga đã được lắp đặt pod tác chiến điện tử này, khiến chúng không thể bị hạ bởi các hệ thống phòng không thông thường.
Ở trên không, ngoài hệ thống “Khibiny”, có thể kể đến hệ thống phòng thủ chủ động, chống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) mang tên “President-S”. Hệ thống này có khả năng làm các tên lửa phòng không vác vai bay chệch hướng (thậm chí là đổi hướng 180 độ) và tự phá hủy.
Hồi đầu năm 2015, Tổ hợp Công nghệ sóng radio và điện tử (KRET) cho biết, dựa trên nền tảng máy bay chở khách Tu-214, đơn vị này cùng tổ hợp chế tạo hàng không Tupolev sẽ phát triển máy bay đối kháng điện tử thế hệ mới mạnh nhất thế giới. Hiện dự án này đang trong giai đoạn thiết kế sơ bộ.
Có thể nhận định rằng, những lo lắng của chuyên gia quân sự Mỹ là đúng. Hiện quân đội Nga không còn yếu kém và thiếu hiện đại như trong giai đoạn “cuộc chiến 5 ngày” với Gruzia.
Sự thay đổi chiến lược quân sự và tư duy tác chiến đã khiến quân đội Nga “lột xác” hoàn toàn, trở thành một lực lượng quân sự mạnh mẽ trên thế giới, trong đó việc tiến hành hiện đại hóa vũ khí, trang bị cho các quân, binh chủng đang được đặt lên hàng đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét