Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Mỹ cố chấp


Phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã buộc phải xuống thang với Nga trong vấn đề Syria. Người Mỹ giờ đây không còn khăng khăng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi nữa mà chấp nhận phương án của Nga về một thời kỳ chuyển tiếp.
Tuy vậy, Washington vẫn có những toan tính và chắc chắn không muốn để Moskva “rảnh tay” vào lúc này. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/3 đã gia hạn thêm một năm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được áp đặt từ tháng 3/2014 với cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 3/3 cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt mở rộng gần đây của Washington chống lại Moskva có thể hủy hoại khả năng hợp tác song phương trong các vấn đề quốc tế lớn.
Phía Nga nêu rõ: "Đã đến lúc Washington nhận ra sự vô ích từ chính sách trừng phạt của mình và nguy cơ về xu hướng đối đầu toàn diện với Nga”.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh có quyền đáp trả với những biện pháp phù hợp với những lợi ích của mình, đồng thời cáo buộc Mỹ phá hủy khuôn khổ mối quan hệ song phương một cách có hệ thống.

Quân nhân Nga chuẩn bị bom cho đợt xuất kích tại Syria
Quân nhân Nga chuẩn bị bom cho đợt xuất kích tại Syria
Tại Hội thảo An ninh Munich ở Đức hồi đầu tháng 2/2016, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng Nga và phương Tây đang tiến đến một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới". Ông phê phán các nhà lãnh đạo phương Tây coi Nga như mối đe dọa lớn nhất và băn khoăn rằng hiện giờ là năm 2016 hay năm 1962.
Dựa theo phát biểu này, giới phân tích Mỹ cho rằng người Nga từ lâu đã có quan điểm “bài Mỹ”. Nhiều dẫn chứng được nêu ra như người Nga nêu ra thuyết âm mưu từ thời Liên Xô với tên gọi là "Kế hoạch Dulles". Thuyết này buộc tội Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles phá hoại Liên bang Xô Viết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh do đã bí mật làm đồi bại nền di sản văn hóa và chuẩn mực đạo đức Xô Viết.
Một ví dụ khác được người Mỹ sử dụng để “tố ngược” thái độ “thù địch” của Nga là bài viết mới đây của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga Leonid Reshetnikov khi nhà nghiên cứu Nga khẳng định "Mỹ lần đầu tìm cách phá hoại Nga vào năm 1917 với việc hỗ trợ cho những người Boshevik, rồi Washington liên tục tìm cách thúc đẩy Đức Quốc xã chống lại Liên Xô vào cuối những năm 1930 rồi đến năm 1991”.
Người Mỹ tố ngược Nga có tâm lý thù địch từ lâu
Người Mỹ "tố ngược" Nga có tâm lý thù địch từ lâu
Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, ông Nikolay Patrushev cũng có nhận định tương tự, cho rằng Mỹ tìm cách "chia cắt nước Nga". Bản thân Tổng thống Putin cũng cáo buộc phương Tây làm nước Nga suy yếu bằng cách lấy cắp tài nguyên thiên nhiên của nước Nga.
Theo giới nghiên cứu Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô còn có khao khát vượt qua Mỹ với những khẩu hiệu kiểu như "bắt kịp và vượt qua Mỹ" đã trở thành tuyên ngôn về mục tiêu chính sách của Liên Xô.
Học giả Mỹ cho rằng trong mắt của nhiều lãnh đạo Nga hiện thời, Mỹ chiếm không gian vũ đài thế giới mà vốn dĩ thuộc về Nga, bởi Nga sở hữu vũ khí hạt nhân, có bề dày lịch sử và văn hóa, diện tích lãnh thổ lớn nhất, cùng nhiều yếu tố khác.
Với hàng loạt “bằng chứng” lịch sử và hiện tại được nêu ra để chứng minh cho thái độ “thù địch” của Nga, người Mỹ nhận định nước Nga dưới thời Tổng thống Putin sẽ tiếp tục coi Mỹ là đối thủ chính và sẽ xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên quan điểm đó. Chính vì vậy, tình hữu nghị và sự tái thiết quan hệ song phương thành công là điều khó mà có được trong tương lai gần.
Theo Lương Tài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét