Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Cảnh giới bên kia cửa tử

Tài liệu do người chết hồi sinh kể lại : Cảnh gii bên kia cửa tử

Hiện nay, luân hồi tái sinh là một đề tài nóng bỏng ở xã hội phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Chương trình "60 minutes" ngày 30.10 cách đây vài năm có đề cập đến vấn đề luân hồi tái sinh và báo cáo hiện có đến 78% người Mỹ (vào khoảng 195.000.000) tin có kiếp trước kiếp sau. Raymond Moody, giáo sư triết học, bác sĩ y khoa, là một nhà nghiên cứu người Mỹ tiền phong về vấn đề luân hồi tái sinh, nói rằng, sự hiểu biết về hiện tượng có đời sống khác sau đời sống này (life after life) đã được giấu nhẹm rất kỹ cho đến bây giờ. Nếu ai muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về luân hồi chỉ việc vào thăm Google, gõ chữ "book on reincarnation" thì sẽ thấy một con số khổng lồ, hơn 2.000.000 tài liệu gồm sách và các bài luận giải về nhân quả và luân hồi...

Cách đây 31 năm, khi cho in cuốn sách đầu tiên "Life After Life" sau nhiều năm tiếp xúc với những bệnh nhân chết đi sống lại, bác sĩ Moody nói, ông chỉ ghi lại trung thực những câu chuyện này mà không cố ý chứng minh là có một đời sống khác sau khi chết. Ông cũng nói thêm rằng, hiện nay chưa có ai có thể đưa ra một bằng chứng cụ thể để chứng minh có 1 cảnh giới bên kia cửa tử, nhưng người ta cũng không thể phủ nhận kinh nghiệm của hơn 8 triệu người lớn ở Mỹ và mấy triệu trẻ con nữa, những người sống lại sau cái chết lâm sàng đã kể những gì họ thấy được sau khi rời khỏi xác thân vật lý.

Bác sĩ Moodu kể, lần đầu tiên ông được nghe tả về cảnh giới bên kia cửa tử do người chết hồi dương kể lại (kinh nghiệm cận tử) là khi ông còn là một sinh viên y khoa triết học ở đại học Virginia. Một giáo sư dạy môn tâm thần học kể lại cho sinh viên nghe chính ông đã "chết" đi rồi sống lại 2 lần, cách nhau 10 phút. Ông kể lại những chuyện ly kỳ ông được chứng kiến trong thời gian ông "chết". Thoạt nghe thì anh sinh viên Moody cũng lấy làm lạ nhưng không có ý kiến gì. Anh chỉ giữ cái băng thu âm câu chuyện này để làm tài liệu thôi. Mấy năm sau, ông Moody bây giờ là giáo sư triết ở 1 trường đại học ở Bắc Carolina. Trong 1 buổi giảng dạy về thuyết bất tử (Phaedo) của Plato, nhà hiền triết nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ đại, một sinh viên xin gặp riêng để hỏi thêm về vấn đề sống chết, vì bà của chàng ta đã "chết" trên bàn mổ, sau đó hồi sinh và kể những câu chuyện bà đã chứng kiến rất hấp dẫn. Giáo sư Moody yêu cầu anh sinh viên này kể lại từng chi tiết và ông rất đỗi ngạc nhiên khi thấy những chuyện xảy ra cho bà già này gần giống với những mẩu chuyện ông được nghe từ thầy của ông mấy năm về trước. Từ đó, ông cố ý thu thập tài liệu về hiện tượng chết đi sống lại. Ông cũng đưa vấn đề này vào trong các bài giảng của ông, nhưng không đề cập gì đến 2 trường hợp ông được nghe. Ông nghĩ rằng, nếu có nhiều người chết đi sống lại thì thế nào sinh viên cũng sẽ nói ra trong các giờ triết. Quả vậy, trong mỗi một lớp học chừng 30 sinh viên, khi nào cũng có một anh xin gặp riêng sau giờ học để kể cho ông nghe một câu chuyện chết đi sống lại. Có điều lạ là, những mẩu chuyện này có nhiều tình tiết giống nhau, tuy người có kinh nghiệm chết đi sống lại gồm nhiều thành phần khác nhau, khác về tôn giáo, về học vấn, và địa vị xã hội.

Khi Moody theo học y khoa năm 1972 thì ông đã có một hồ sơ dày cộm về những trường hợp chết đi sống lại. Ông bắt đầu nói đến công cuộc nghiên cứu của ông với những người ông gặp ở trường y. Sau đó, theo lời yêu cầu của một người bạn, ông nhận lời thuyết trình về hiện tượng chết đi sống lại tại 1 Hiệp hội Y sĩ và nhiều hội đoàn khác. Và sau mỗi buổi thuyết trình, thế nào cũng có người đứng lên kể lại kinh nghiệm chết đi sống lại của chính mình. Dần dà ai cũng biết tiếng ông, nên nhiều bác sĩ đã giới thiệu những bệnh nhân họ cứu sống được mà có những kinh nghiệm lạ lùng trong thời gian họ "chết". Sau khi vài tờ báo đăng tải tin tức về công cuộc nghiên cứu của ông thì nhiều người tự động gửi những mẩu chuyện tương tự xảy ra với họ. Ông quyết định chỉ chú ý đến trường hợp những người do bác sĩ chứng thực là đã chết lâm sàng (tim ngừng đập, thần kinh não ngưng hoạt động) rồi được cứu sống lại, và trường hợp những người bị tai nạn, hồn lìa khỏi xác ngay nhưng sau đó lại hoàn hồn, đã kể những sự việc họ chứng kiến.

Trong mấy trăm câu chuyện chết đi sống lại mà tác giả trực tiếp được nghe, Moody nhận thấy, tuy kinh nghiệm của mỗi người có điểm khác nhau nhưng tựu trung thì có thể nói có chừng 15 điểm mà ông thấy người ta hay nhắc nhở :

1. Ngôn ngữ bất đồng

Người nào cũng tỏ vẻ bực bội rằng, ngôn ngữ ở cõi trần không thể diễn tả đúng những sự việc xảy ra ở cõi giới bên kia. Một người trong số đó nói : "Tôi biết, thế giới mà tôi được thấy là một thế giới có hơn 3 chiều, nên không thể nào diễn tả được hết những điều tôi muốn nói với thứ ngôn ngữ 3 chiều của chúng ta".

2. Nghe tin mình đã chết

Nhiều người kể rằng, họ được nghe chính bác sĩ hay những người ở bên cạnh nói rằng họ đã chết. Bà Martin kể : "Tôi vào bệnh viện nhưng họ không tìm ra bệnh. Bác sĩ James đưa tôi sang phòng X quang để chụp ảnh gan tìm bệnh. Vì tôi bị dị ứng với nhiều thứ thuốc nên họ thử trên cánh tay tôi trước. Thấy tôi không có phản ứng gì, họ liền tiêm cho tôi thứ thuốc ấy. Nhưng lần này tôi bị phát dị ứng liền và chết ngay sau đó. Tôi thấy bác sĩ ở phòng X quang vừa chích thuốc cho tôi, bước đến nhấc máy điện thoại. Tôi nghe rõ ông quay từng con số và giọng nói của ông : "Thưa bác sĩ James, tôi đã giết bệnh nhân của ông. Bà Martin chết rồi". Nhưng tôi biết tôi không chết. Tôi cố cử động, cố tìm cách nói cho họ biết là tôi chưa chết nhưng tôi không thể làm gì được. Rồi thấy họ làm thủ tục cấp cứu. Tôi nghe họ nói cần bao nhiêu "cc" thuốc chích cho tôi, nhưng tôi không có cảm giác gì khi mũi kim chích vào da. Tôi cũng không có cảm giác gì khi họ chạm vào người".

3. Tâm an bình và tịch tịnh

Số đông kể rằng, họ tận hưởng được một cảm giác rất an lạc, thật khoan khoái khi mới thoát ra khỏi cái xác của mình. Một người bị bất tỉnh ngay sau khi bị thương nặng ở đầu kể rằng, khi mới bị chấn thương thì anh cảm thấy đau nhói, nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi sau đó anh có cảm tưởng như mình đang bềnh bồng trôi trong 1 phòng tối. Mặc dù hôm ấy trời lạnh lắm mà anh cảm thấy rất ấm áp trong khoảng không gian âm u này. Anh thấy tâm thần mình bình an thoải mái lạ lùng và anh chợt nghĩ "chắc là mình đã chết rồi".

Một bà vật vã, đau đớn và ngất đi sau một cơn đau tim. Khi được cứu tỉnh bà kể : "Tôi bắt đầu thấy sung sướng lạ, mọi lo âu buồn phiền biến mất, chỉ còn lại một cảm giác bình an, thoải mái, thanh tịnh. Tôi không còn cảm thấy đau đớn nữa".

4. Âm thanh

Nhiều âm thanh lạ được tả lại, hoặc khi sắp chết hoặc khi vừa tắt thở. Một người đàn ông "chết" trong vòng 20 phút trên bàn mổ kể lại, rằng ông đã nghe một tiếng kêu ù ù rất khó chịu. Tiếng kêu như phát ra từ trong đầu mình chứ không phải từ bên ngoài. Một người đàn bà kể, khi vừa ngất đi thì bà nghe một tiếng rì rì lớn và bà cảm thấy đang chơi vơi bay lộn lòng vòng trong không gian. Bà còn nghe một thứ tiếng khác cũng khó chịu lắm, như tiếng động lạch cạch, tiếng va chạm hay tiếng rống mà cũng như tiếng gió hú. Những người khác thì nghe một âm thanh dễ chịu như âm nhạc, như trường hợp một bệnh nhân "chết" trên đường đi đến bệnh viện, khi được cứu tỉnh lại ông kể : Ông đã nghe 1 âm thanh như âm ba của nhiều cái chuông nhỏ từ đằng xa theo gió vọng lại, làm ông nghĩ đến mấy cái chuông gió của Nhật, và ông chỉ nghe 1 âm thanh này thôi.

5. Đường hầm tối

Ngay vừa khi nghe tiếng động thì người ta cảm thấy như bị hút mạnh vào một khoảng không gian tối. Người thì nói giống như một hang động; người thì bảo sâu hút như một cái giếng; người khác thì mô tả như một khoảng không, một đường hầm, một ống xoắn, một cái chuồng, thung lũng, ống cống, hoặc khoảng không của một hình vật thể hình trụ. Tuy được diễn tả khác nhau nhưng điều này cho thấy, người nào cũng trải qua kinh nghiệm này. Một bệnh nhân kể : Khi tim anh ngừng đập vì bị dị ứng với thuốc mê thì anh thấy mình như bay qua một khoảng không tối tăm như một đường hầm, với tốc độ cực nhanh như một con tàu đang lao đầu bay xuống ở 1 công trường giải trí.

6. Giây phút bước ra khỏi xác

Tuy ai cũng biết rằng, cái "Ta" gồm 2 phần : thân và thức, nhưng ít ai hiểu biết được phần Thức vì cho rằng, có thân xác vật lý thì trí óc mới hoạt động được, không thể nào có 1 đời sống nào khác ngoài đời sống với tấm thân vật lý này. Cho nên, trong quá trình chết đi sống lại, ai cũng bị ngạc nhiên quá mức khi họ được ngắm nghía thân xác bất động của họ.

Thực khó tưởng tượng được tâm trạng của những người này, khi họ thấy mình đứng đây mà sao lại còn có thân hình mình nằm bất động ở đằng kia ! Khi hồn vừa lìa khỏi xác, họ chưa ý thức được mình đã chết nên ngẩn ngơ không hiểu được hiện tượng này. Nhiều người muốn nhập vào xác mình lại nhưng không biết làm sao. Có người rất hoảng sợ nhưng cũng có người không sợ hãi. Một bệnh nhân nói : "Bệnh tôi trở nặng, bác sĩ buộc phải vào nhà thương. Sáng hôm ấy tôi thấy một lớp như sương mù bao phủ quanh tôi và cùng lúc ấy tôi thấy mình bước ra khỏi xác. Tôi thấy mình bềnh bồng bay lên phía trên và nhìn xuống cái xác mình nằm ở giường. Tôi không thấy sợ hãi chút nào, chỉ thấy một cảm giác bình yên trong một khung cảnh êm ả thanh bình. Và tôi nghĩ, có lẽ tôi đang đi về cõi chết. Tôi tự nhủ, rằng nếu tôi không nhập trở lại được vào cái xác kia thì tôi chết thật rồi, và như vậy cũng không sao".

Nhiều người nói rằng sau giây phút hoang mang lúc đầu, dần dà họ thấy giác quan mới của thể hồn bén nhạy hơn. Họ có thể nhìn thật xa, nghe thật rõ, đọc được ý nghĩ của người khác, và chỉ cần nghĩ đến chỗ nào họ muốn đi thì đã thấy mình ở đó rồi. Nhưng vì họ không trao đổi gì được với những người xung quanh nên họ thấy cô đơn buồn tủi.

7. Gặp những thể hồn khác

Nhiều người kể lại, họ chỉ cảm thấy cô đơn trong chốc lát thôi, sau đó họ được gặp gỡ và chuyện trò với những người thân, bạn bè quá cố. Một người phụ nữ kể lại cuộc vượt cạn khó khăn, bà bị mất máu rất nhiều trong khi sinh. Lúc đó bà nghe bác sĩ nói là bà không sống được nhưng bà thấy mình vẫn tỉnh táo và ngay khi ấy bà thấy nhiều người vây quanh bà nhưng chỉ thấy mặt thôi. Họ đông người lắm, lơ lửng ở trên trần nhà. Bà nhận ra đó là những người thân và quen đã qua đời, bà thấy bà ngoại của mình và một cô bé bạn học hồi nhỏ cùng nhiều người bà con quen biết khác. Ai cũng có vẻ tươi cười như chào đón bà ở xa về.

Một người khác kể rằng sau khi người bạn thân tên Bob chết vài tuần thì ông cũng suýt chết. Ông thấy mình bước ra khỏi thể xác vật chất và có cảm tưởng như Bob đang đứng cạnh mình. Ông biết đó là Bob nhưng lại trông không giống như hồi còn sống. Tuy nhìn thấy Bob, nhưng không phải nhìn bằng mắt vì chính ông cũng không có mắt ! Nhưng lúc ấy ông không nghĩ đến điều này là lạ vì ông không cần có mắt mà vẫn thấy. Ông hỏi Bob : "Bây giờ tôi phải đi đâu, chuyện gì đang xảy ra ? Có phải tôi chết rồi không ? Nhưng Bob không nói gì cả. Suốt mấy ngày tôi ở bệnh viện, Bob luôn ở bên cạnh tôi nhưng vẫn không trả lời những câu hỏi của tôi cho đến ngày bác sĩ tuyên bố là tôi đã thoát chết thì Bob bỏ đi".

8. Đối diện với người ánh sáng

Tuy tình tiết về kinh nghiệm "chết" của mọi người khác nhau nhưng ai cũng nói đến cuộc gặp gỡ một vị thân toàn ánh sáng. Đây có lẽ một chi tiết lạ lùng nhất đã làm thay đổi cuộc đời của những người chết đi sống lại. Lúc đầu, vị này hiện ra trong thứ ánh sáng lờ mờ, rồi ánh sáng trở nên rõ dần và sau cùng thì hiện toàn thân trong một thứ ánh sáng rực rỡ. Có điều lạ là, tuy rực rỡ nhưng không làm chói mắt. Tuy vị này hiện ra như một tòa ánh sáng mà ai cũng hiểu đây là một người với đầy đủ cá tính nhân phẩm của một cá nhân. Vị này đã ban phát cho họ một tình thương yêu không thể dùng lời nói mà diễn tả được và ai cũng quyến luyến muốn kề cận vị này. Có một điều lý thú là hầu hết mọi người đều tả dung mạo, phong cách của người ánh sáng này giống nhau nhưng khi được hỏi người ấy là ai thì mỗi người nói một cách khác, tùy theo niềm tin tôn giáo của họ.

9. Nhìn lui quãng đời mình

"Người ánh sáng" nhắc nhở người chết tự kiểm thảo đời mình, và cho người chết xem lại quãng đời của mình rõ ràng như được chiếu trên màn ảnh lớn, từ lúc còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên đi học, đỗ đạt, công danh sự nghiệp ...đều hiện lên rất rõ. "Người ánh sáng" nhắc nhở rằng, ở trên đời không có gì quan trọng ngoài tình thương. Một người kể rằng, khi ông được xem quãng đời niên thiếu của ông với cô em gái, người mà ông rất thương yêu; "người ánh sáng" cho ông xem những lúc ông hành động một cách ích kỷ hay tỏ lòng trìu mến săn sóc em mình. "Người ánh sáng" nhấn mạnh đến việc nên giúp đỡ người khác. Dường như vị này rất chú tâm đến sự học hỏi, cứ nhắc nhở ông phải lo trau dồi sự hiểu biết của mình và nói rằng, sau khi thật sự giả từ thế gian để sang cõi này ông cũng vẫn phải tiếp tục học hỏi, vì đó là một qui trình không gián đoạn.

10. Ranh giới giữa hai cõi

Nhiều người nhớ rằng, họ đi dần đến một chỗ giống như một bờ ranh, một bờ sông, một cánh cửa, một vùng sương mù màu xám, một hàng rào, hay chỉ như một đường vẽ dưới đất. Một người bệnh tim kể : "Sau khi lìa khỏi xác, tôi thấy mình đang đi trên một cánh đồng thật đẹp, toàn một màu lục, nhưng khác hẳn màu lục của thế gian và chung quanh tôi tràn ngập một thứ ánh sáng kỳ diệu. Xa xa đằng trước là một cái hàng rào, tôi vội rảo bước sang về phía đó thì thấy một người phía bên kia đang tiến về hàng rào như để gặp tôi, nhưng bỗng nhiên tôi có cảm tưởng bị kéo thụt lùi, và người phía bên kia thì ngoảnh lưng lại đi về hướng xa hàng rào".

11. Trở lại cõi trần

Dĩ nhiên, tất cả những người có kinh nghiệm chết này đều sống lại. Và điều đáng nói là tất cả đều đổi khác sau khi nhìn thấy thế giới bên kia. Phần đông nói rằng, khi vừa tắt thở, họ tiếc nuối thân vật lý lắm, và cố tìm cách trở lại. Nhưng dần dà khi thấy nhiều điều mới lạ ở cảnh giới bên kia thì họ không muốn trở về nữa, nhất là những người đã được gặp gỡ "người ánh sáng" và được vị này ban cho một thứ tình thương bao la vô điều kiện. Nhưng có người thì muốn trở về để tiếp nối một công việc đang dở dang, hay vì các con đang còn nhỏ. Có người nghĩ rằng vì người thân của họ níu kéo, cầu nguyện nên họ không "đi" được như câu chuyện sau đây : "Tôi săn sóc một người cô già. Cô bệnh lần này khá lâu. Đã mấy lần cô tắt thở, nhưng lại được cứu sống, có lẽ vì mọi người trong gia đình ai cũng thương cô và cầu nguyện cho cô bình an. Một hôm cô nhìn tôi và bảo : "Joan, cô đã thấy cõi giới bên kia đẹp lắm. Cô muốn ở lại bên đó nhưng con và mọi người cứ cầu nguyện cố giữ cô lại bên này nên cô không đi được. Thôi, con nói mọi người đừng cầu nguyện cho cô nữa". Và chúng tôi ngưng cầu nguyện thì cô mất một cách bình yên sau đó".

Phần đông nói rằng, họ không nhớ đã "trở về" như thế nào. Họ nói, họ chỉ thấy buồn ngủ, rồi mê đi và khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên giường bệnh như trước khi được sang thế giới bên kia. Nhưng cũng có người nhớ rõ chi tiết khi được trở về. Một người kể, khi hồn vừa lìa khỏi xác, ông thấy mình bị cuốn đi nhanh qua con đường hầm tối. Khi sắp sửa ra khỏi đường hầm thì ông nghe ai gọi giật tên mình ở phía sau, và bất thần ông bị lôi tuột trở lại. Một ông khác kể là, hồn ông bay lên trần nhà nhìn xuống thấy bác sĩ, y tá đang cuống quýt cứu chữa. Khi bàn sốc đặt vào ngực, toàn thân ông giật nẩy lên và đúng lúc đó ông bị rớt xuống thẳng đứng như một tảng đá và chui tuột vào thân thể trên giường. Một người khác thì thấy hồn thoát ra từ đỉnh đầu, như được tả trong cuốn "Tử Thư Tây Tạng".

12. Kể lại kinh nghiệm "chết"

Những người đã trải qua kinh nghiệm này nhớ rất rõ là, họ đã ngạc nhiên sửng sốt khi chứng kiến những sự việc đang xảy ra cho họ. Họ bảo chúng đã thật sự xảy ra chứ không phải do trí tưởng tượng hay ảo giác. Tuy thế, nhiều người không dám kể hoặc chỉ kể cho một vài người thân mà thôi, vì họ biết ở xã hội này không ai tin những chuyện như thế, và còn cho là họ bị bệnh tâm thần. Một cậu bé kể cho mẹ nghe, nhưng vì em còn nhỏ nên bà mẹ không để ý đến những lời em kể, từ đó em không kể cho ai nghe nữa. Người thì cố kể cho mục sư của mình nghe nhưng bị vị này phê bình là mình bị ảo giác. Một cô học trò trung học muốn kể cho bạn nghe kinh nghiệm lạ lùng của mình nhưng bị cho là tâm thần nên đành nín lặng. Vì vậy, ai cũng cứ tưởng chuyện này chỉ xảy ra cho một mình mình thôi. Khi bác sĩ Moody nói với họ rằng, có nhiều người đã có kinh nghiệm tương tự thì họ có vẻ mừng, vì thấy không phải mình "điên", không phải chỉ một mình mình thấy những chuyện lạ lùng của cõi giới bên kia.

13. Thay đổi tâm tư

Như đã trình bày trên, những người trải qua kinh nghiệm này thường thường không muốn kể với ai, nhưng họ cảm thấy những gì họ kinh nghiệm đã để lại một dấu ấn sâu xa trong đời họ, đã mở rộng tầm mắt của họ, đã thay đổi hẳn lối nhìn của họ về cuộc đời. Một ông tâm sự : "kể từ ngày ấy, tôi thường tự hỏi, tôi đã làm gì với cuộc đời của tôi, và khoảng đời còn lại này tôi sẽ phải sống như thế nào. Ngày trước muốn gì là tôi làm liền, không suy nghĩ đắn đo. Nay thì tôi thận trọng lắm. Trước khi hành động tôi thường tự hỏi lòng mình xem việc này có đáng làm hay không hay chỉ có lợi cho bản thân thôi ? Nó có ý nghĩa gì, có ích lợi gì cho đời sống tâm linh không ? Tôi không phê phán người khác, không thành kiến, không tranh cãi. Và tôi thấy hình như mình hiểu rõ mọi sự việc chung quanh một cách đúng đắn hơn, dễ dàng hơn".

Nói chung, những người chết hồi sinh đều thấy đời mình có một mục đích rõ ràng hơn, tâm tư thoải mái hơn, đầu óc rộng rãi cởi mở hơn, tình thương yêu nhiều hơn, và nhấn mạnh đến đời sống tâm linh, cũng như một đời sống khác sau khi chết. Họ như sực tỉnh khi thấy xưa nay mình chỉ "mãi sống", và lúc nào tâm tư cũng lo lắng, mưu cầu, sắp đặt cho ngày mai, hay luyến tiếc quá khứ mà quên sống với giây phút hiện tại. Họ khám phá rằng, đời sống tinh thần thật sự quí báu hơn đời sống vật chất nhiều; rằng thân xác vật lý chỉ là nơi tạm trú cho phần tâm linh. Và họ đều nói đến bài học từ "người ánh sáng" : Ở trên đời, tiền tài, danh vọng hay bằng cấp cao cũng không đáng gì, chỉ có tình thương, ý tưởng phụng sự người khác mới đáng kể. Thông điệp thứ hai từ "người ánh sáng" là : Mọi người nên trau dồi trí tuệ và tình thương, vì sống và chết là một quá trình được tiếp nối không ngừng.

Một anh chàng trẻ tuổi đang học làm tu sĩ Tin Lành kể, trước kia anh nghĩ chỉ có những người theo giáo phái của anh mới được cứu rỗi, còn ngoài ra tất cả đều là tà đạo và sẽ phải xuống hỏa ngục hết. Sau khi gặp "người ánh sáng" thì anh thay đổi hoàn toàn. Anh thấy vị này hiền hòa, nhân từ chứ không như niềm tin về sự trừng phạt những người không tin mình như Thánh Kinh miêu tả. Vị này không hề hỏi han gì về giáo phái của anh đang theo mà chỉ hỏi anh có biết yêu thương người khác không.

14. Quan niệm mới về cái chết

Sau khi được thấy cảnh giới đẹp đẽ bên kia, không còn ai sợ chết nữa. Nói như thế không phải là họ chán sống và muốn đi tìm cái chết. Trái lại, họ thấy quý đời sống hơn và hiểu rằng đời sống này là một môi trường tốt cho họ học hỏi. Họ cho rằng, vì còn nhiều việc cần phải làm nên họ mới "bị" trả về và làm cho xong, để sau này được ra đi 1 cách nhẹ nhàng.

Một người kể : "Kinh nghiệm này đã thay đổi hẳn cả cuộc đời của tôi mặc dù chuyện này đã xảy ra lúc tôi mới 10 tuổi. Từ đấy tôi tin tưởng hoàn toàn rằng, có một đời khác sau đời sống này và tôi không hề sợ chết. Tôi thường tự cười thầm mỗi khi nghe có người cho rằng chết là hết".

Có người thì ví cái chết như là một sự di chuyển từ một nơi này sang một nơi khác, hay từ một con người vật chất sang một thể tâm linh cao hơn. Có một bà, sau khi thấy có nhiều người thân đến chào, có cảm tưởng như mình được đón tiếp về nhà sau một thời gian đi chơi xa. Người khác thì nói rằng, dùng từ "chết" để tả lại cảnh tượng này là không đúng, vì đây giống như một sự thay đổi chỗ ở. Một người khác nữa thì ví thân thể mình như là nhà tù, và khi chết thì được thoát ra khỏi cái ngục tù đó !

15. Chứng cớ cụ thể

Dĩ nhiên, có nhiều người đặt câu hỏi, những chuyện do người chết hồi sinh kể lại có thể tin được không, có chứng cớ gì không ? Câu trả lời là có. Thứ nhất, các bác sĩ thấy các bệnh nhân đã tắt thở, tim đã ngừng đập, nên họ mới dùng phương pháp cấp cứu, vậy mà sau khi hồi sinh, bệnh nhân đã dùng danh từ y khoa kể lại đầy đủ chi tiết những gì xảy ra trong khi họ nằm bất động trên giường !

Một cô gái sau khi lìa khỏi xác đã đi qua phòng bên cạnh và thấy chị mình đang ngồi khóc và kêu thầm "Kathy, đừng chết, em ơi đừng chết". Sau khi hồi tỉnh, cô kể lại chi tiết này và chị cô không hiểu sao cô lại biết rõ như vậy. Một nạn nhân kể lại đầy đủ tình tiết về những người chung quanh, họ đã nói những gì, ăn mặc ra sao..v..v... Một bà kể, khi hồn lơ lửng trên trần nhà, bà thấy một chùm chìa khóa trên một nóc tủ. Chùm chìa khóa này của một bác sĩ, trong lúc vội vàng đã vứt lên đó đã mấy ngày trước và quên bẵng đi...

Đó là toàn bộ những câu chuyện được bác sĩ Raymond Moody viết lại. Những ai muốn tìm hiểu chi tiết về cảnh giới bên kia cửa tử có thể tìm đọc tài liệu nghiên cứu của nhiều tác giả người Mỹ. Chỉ cần vào Google và ghi "the life beyond" thì sẽ thấy vô số tài liệu. Khi đọc cuốn "Tử Thư Tây Tạng" (Tibetan Book of The Death), tôi thấy có nhiều điểm tương đồng với cảnh giới được diễn tả trong cuốn "Life After Life" của bác sĩ Raymond Moody. Có một điều lạ là, những người chết đi sống lại đều nói đến một luồng ánh sáng, hay 1 người sáng, mà họ cho là thiên thần, tùy vào lòng tin tôn giáo của họ. Và cuốn Tử Thư Tây Tạng thì nói rất rõ đó là Đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngự trong biển sáng.

Người ánh sáng được diễn tả trong cuốn sách của bác sĩ Moody không nói mình là ai. Vị này dường như thương mến tất cả mọi người và dạy mọi người rằng làm người phải biết thương thân mình và thương người khác; rằng hành trang mà người chết có thể mang theo chỉ là tình thương thôi, một thứ tình thương vô vị kỷ. Tôi thấy những lời dạy này cũng quen thuộc như những lời dạy của Đức Phật

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Bài Kinh Nghiệm Sống

MỜI ĐỌC KINH NGHIỆM SỐNG


_Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày mất một ngày

Qua một ngày vui một ngày

Vui một ngày lãi một ngày

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì.

Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi.. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”

Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc,cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sông, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.

Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.

Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.

Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.

Nhà`cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.

Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ôm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.

Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.

Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm.

Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao.. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.

Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên.

Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao,

Tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình..

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già, tâm không già, thế là già mà không già;

Tuổi không già, tâm già, thế là không già mà già.

Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….)

Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)

Người khôn phòng bệnh , chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống..

Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ,

ốm mới khám chữa bệnh….. Tất cả đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chua đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống.

Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được,

Quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi.

Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn.

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Hải chiến tại Hoàng Sa năm 1974

AI ĐÃ KHAI HỎA CUỘC HẢI CHIẾN TẠI HOÀNG SA NĂM 1974 GIỮA HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA VÀ HẢI QUÂN TRUNG QUỐC

Vua Trần Nhân Tông đã để lại di chúc như sau:" Các người chớ quên nước lớn thường làm điều trái đạo. Hoạ muôn đời của ta là nước Tàu. Họ không tôn trọng quy ước và biên giới. Luôn luôn bày đặt chuyện để gây hấn. Không thôn tính được thì gặm nhấm đất đai của ta. Vậy các ngươi phải nhớ lời ta dặn. Một tấc đất cũng không để lọt vào tay kẻ thù. Ðây là di chúc cho con cháu muôn đời".  (Trần Nhân Tông 1279-1293)

Đoàn Viết Ất quê Nam Định, di cư vào nam 1954, người chỉ huy pháo HQ 16 đã khai hỏa bắn vào tàu Trung Quốc...

Lời Nói Đầu

Tuần vừa qua, hai chiến hữu già của tôi ghé thăm Viện Bảo Tàng. Các bác Lương Văn Ngọ và Võ Ðại. Quí vị hỏi thăm qua loa nhưng thực tình là yêu cầu yểm trợ để cùng đánh trận Trường Sa. Sẽ tổ chức gây quĩ, đăng báo Mỹ để tuyên ngôn cho thế giới biết là quần đảo và hải phận Ðông Hải muôn đời phải là của Việt Nam ta. Vâng, chúng tôi sẽ chuẩn bị tài liệu để triển lãm, duyệt lại cuốn phim đem chiếu và xin viết bài này để góp phần giới thiệu với độc giả. Lẽ dĩ nhiên cần sự giúp đỡ của các chiến hữu Hải Quân về các tài liệu. Chuyện Hoàng Sa và Trường Sa nếu không có anh em hội Bạch Ðằng là không xong. Trưa thứ bảy, cuối tuần, hội Hải Quân đến họp tại Viện Bảo Tàng để thảo luận về việc thiết lập một sa bàn Hoàng Sa. Các bạn trao tặng bộ quân phục thuỷ thủ cùng rất nhiều hình ảnh và tác phẩm liên quan đến trận hải chiến 34 nằm về trước. Những tác phẩm viết về Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và đặc biệt có trên mười tác giả viết về biến cố Hoàng Sa ngày 19/01/1974. Hồi ký của tư lệnh Hải Quân vùng 1, của vị chỉ huy hải đội Hoàng Sa, của trung tâm trưởng hành quân biển tại Sài Gòn, các hạm trưởng, sỹ quan trên chiến hạm tham chiến số 4, 5, số 10 và 16, của biệt kích trên đảo, sĩ quan truyền tin trên soái hạm, của thuỷ thủ trôi giạt trên biển, của anh em đoàn viên và địa phương quân bị bắt tù binh đưa về TC. Khối tài liệu hết sức phong phú trên ngàn trang phải đọc suốt cả tuần lễ chưa hết. Ðặc biệt trong khi quí vị cấp trên viết còn dè dặt thì anh em cấp dưới viết ra tất cả mọi chi tiết hết sức chân thật và rõ ràng. Những anh em mang đến tài liệu cho chúng tôi, ngày xưa vốn là các thiếu tá và cấp uý trẻ trung của biển cả, ngày nay tuổi đã về chiều mà tấm lòng nặng chĩu tâm tư khi nghe tin các hải đảo xa xôi lại một lần nữa rơi vào tay địch. Trong số các chiến hữu có mặt tại San Jose, chúng tôi đã gặp được một người, hết sức tình cờ và hết sức đặc biệt.

Đoàn Viết Ất, người chỉ huy pháo HQ 16 đã khai hỏa...

Ðó là Hải Quân Đại Uý Ðoàn Viết Ất, nguyên sĩ quan pháo thủ của HQ 16 mang tên danh tướng Lý Thường Kiệt. Năm 1974, khi con tàu rẽ sóng đi Hoàng Sa, Trung Uý Ất tưởng chỉ làm một chuyến hải hành tiếp tế như thường lệ, nào ngờ ông đã tham dự vào trận đánh lịch sử. Chuyến về trên con tàu bị thương với cõi lòng tan nát vì đã bỏ lại đồng đội trên hải đảo và biển cả. Trung Uý Ất cùng một số Hải Quân được tuyên dương anh hùng, thăng cấp đặc cách tại mặt trận. Ngày nay, ông Ất đang đóng vai một người dân tỵ nạn hiền lành sống rất bình dị bên cạnh chúng ta. Ai biết đâu con người ấy, ngày xưa cũng đã từng là một chiến sĩ dũng cảm của Hải Quân. Trong chiến trường, binh thư viết rằng khi lâm trận, cấp uý ở ải địa đầu là những người quyết định thắng bại. Trên các chiến hạm vào ngày đầu năm 1974, sống chết của con tàu trông cậy vào các Trung Uý chỉ huy pháo thủ. Trên chiến hạm HQ 16 vào buổi sáng hôm đó, số mạng trong tay Trung Uý Ất, ngồi bên cây đại bác 125 ly, nạp đạn chạm nổ, hướng thẳng vào đài chỉ huy của con tàu địch trước mắt. Sẵn sàng chuẩn bị bắn trực xạ.

Cuộc đời Ðoàn Viết Ất

Sau trận Hoàng Sa, miền Nam ca ngợi chiến công của Hải Quân anh hùng. Trong số các sĩ quan con sống mà được vinh thăng có Trung Uý Ðoàn Viết Ất. Ất người Nam Ðịnh, 54 theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn. Sinh viên đại học Vạn Hạnh. Năm 20 tuổi vào Hải Quân. Học thêm Anh văn tại Sài Gòn rồi thụ huấn căn bản quân sự tại Quang Trung. Năm 70 được gửi đi học tại trường Hải Quân Hoa Kỳ khoá 4-OCS. Vào thời kỳ đó Sinh viên sỹ quan Hải Quân Ðoàn Viết Ất đã có dịp học lái tàu Mỹ tại vùng Vịnh Cựu Kim Sơn. Khi về nước, chuẩn uý Ất nhờ có đệ tam đẳng Thái cực đạo nên được làm huấn luyện viên võ thuật. Cuộc đời đưa đẩy, trải qua các đơn vị, lên thiếu uý rồi Trung Uý thì bắt đầu xuống HQ 16 làm sỹ quan trách nhiệm dàn pháo cho chiến hạm. Các vũ khí dưới tay gồm có cây 125 ly, lớn hơn cả đại bác 105 của bộ binh. Những cây 40 ly một nòng và cây 40 ly nòng ghép đôi. Các bách kích pháo. Súng cá nhân, áo giáp và nón sắt. Cùng với các đoàn viên xạ thủ đầy kinh nghiệm, Trung Uý Ất chỉ huy anh em vào nhiệm sở tác chiến với một tinh thần hăng hái rất hào hùng. Khi con tàu Lý thường Kiệt phải đoạn chiến về đến bến bờ quê hương, nhớ lại cảnh chiến hữu bị bỏ lại, lòng dạ hết sức não nề. Một năm sau theo hạm đội hải hành chuyến cuối cùng anh bỏ lại vợ con, vì vậy Đại Uý Ất quyết định từ giã Hải Quân tại Côn Sơn, xuống tàu trở lại Việt Nam. Ðây là một quyết định sai lầm phải trả giá 6 năm tù cải tạo trên miền biên giới Bắc Việt. Ngay sau khi được trả tự do, cựu Đại Uý Hải Quân đã có nhiều nơi móc nối để lái tàu vượt biên. Năm 1983 cả gia đình đến Bidong và sau cùng về định cư tại San Jose. Hai mươi năm qua chỉ làm một việc, cho một hãng. Nghề sửa máy điện tử. Bây giờ ông già 60 tuổi theo phái tu thiền tại gia, tuyệt thực mỗi buổi chiều. Buổi tối ngày15 tháng giêng năm 2008 đúng 34 năm trước sắp đến giờ khai hoả trận Hoàng Sa, công dân Mỹ gốc Việt tên Ất Ðoàn ngồi nhớ lại lúc con tàu lướt sóng vào vùng hải chiến giữa các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền, Quang Hoà và Duy Mộng.

Di chúc của tiền nhân

Với ngàn năm đô hộ giặc Tàu, Việt Nam trải qua bao phen chống xăm lăng. Từ nhà Hán, nhà Ngô cho đến giặc Mông Cổ. Rồi nhà Minh, nhà Thanh. Quân dân ta phải chống giặc Bắc phương suốt 4 ngàn năm lập quốc. Trận hải chiến cuối cùng vào đời nhà Trần cách đây 7 thế kỷ. Vua Trần Nhân Tông đã để lại di chúc như sau:" Các người chớ quên nước lớn thường làm điều trái đạo. Hoạ muôn đời của ta là nước Tàu. Họ không tôn trọng quy ước và biên giới. Luôn luôn bày đặt chuyện để gây hấn. Không thôn tính được thì gặm nhấm đất đai của ta. Vậy các ngươi phải nhớ lời ta dặn. Một tấc đất cũng không để lọt vào tay kẻ thù. Ðây là di chúc cho con cháu muôn đời".  (Trần Nhân Tông 1279-1293)

Trận Hoàng Sa

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19/01/1974, trận Hải chiến lịch sử giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và Hải Quân TC diễn ra tại Hoàng Sa. Nguyên do vì sao ? Di chúc của vua Trần Nhân Tông để lại hơn 700 năm đúng từng chữ một. Vẫn là hoạ phương Bắc. Nước lớn không tôn trọng quy ước. Bày đặt chuyện gây hấn. Gặm nhấm đất của ta. Trận hải chiến hết sức anh hùng của lực lượng Hải Quân nhỏ bé VNCH đã khai diễn với anh khổng lồ TC. Trước khi nổ súng, chiến hạm 2 bên đã cài răng lược, vì vậy chỉ vài giây phút đầu tiên là quyết định trận đánh. Gần đến nỗi đại bác của ta bắn trượt tàu địch đã xéo qua tàu bạn. Trong vòng 30 phút đầu tiên, bên ta chiến hạm HQ 10 bị trúng đài chỉ huy và hoàn toàn bất khiển dụng. Hạm trưởng từ trần chết theo tàu, hạm phó ra lệnh đào thoát, sau đó ông chết trên xuồng cấp cứu vì vết thương quá nặng. HQ 16 sau khi hạ được một chiến hạm của địch cũng bị thương rất nặng. Hạm trưởng và thuỷ thủ đoàn cố cứu con tàu ra khỏi chiến trường. Bên địch có 2 chiến hạm bốc cháy và 2 tàu còn lại chịu thương vong nhưng vẫn còn chuyển vận. Những hình ảnh sau cùng ghi nhận được hết sức hào hùng nhưng đồng thời cũng hết sức thương cảm. Hải Quân đào thoát từ HQ 10 ngồi trên bè cấp cứu bị tàu địch bắn theo. Nhưng đặc biệt còn thấy chiến hữu từ chiến hạm không bỏ tàu vẫn tiếp tục tác xạ qua tàu địch. Bút ký của người còn sống có ghi rõ cả tên các thuỷ thủ Việt Nam đang bắn những viên đạn sau cùng. Nước biển trên đầu ngọn sóng làm nhạt nhoà nước mắt của những lính bỏ tàu. Truyện kể của những anh em từ hải đảo xuống bè di tản khi thấy bên ta bắn chiến hạm địch bốc cháy đã cùng nhau cất tiếng hát trên biển Hoàng Sa.

Bài ca bất hủ đó là bản Việt Nam, Việt Nam.

Hãy tưởng tượng giây phút lạ lùng giữa trùng khơi dậy sóng với lửa đạn vang trời, ai cất được tiếng hát ... nghe tự vào đời ... Việt Nam nước tôi ...

Năm 1974, dầu sôi lửa bỏng

Tháng giêng năm 1974 không phải là lúc Miền Nam thái bình thịnh trị. Hiệp Ước Ba Lê đã ký xong nhưng hai bên vẫn còn chiến đấu trong trận giành dân lấn đất. Với chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh, Hoa kỳ đã rút hết quân về. Xa hơn nữa, ngay từ năm 1970, Mỹ đã tuyên bố dứt khoát không tham dự vào cuộc tranh chấp các hải đảo ở biển Ðông. Trong khi quân Mỹ rút thì Việt Nam Cộng Hoà bùng lên tia hy vọng mới. Tin biển Ðông có dầu làm tổng thống Thiệu nói với nội các là dường như Trời ngó lại. Một thùng dầu thô được lệnh đem lên đốt tại Nghĩa trang quân đội Biên Hoà trong buổi lễ tưởng niệm để linh hồn 16 ngàn tử sĩ phù hộ cho đất nước một tương lai tốt đẹp. Nhưng chính niềm vui ngắn ngủi đã nằm trong thiên tai. Trường Sa là nơi có nhiều triển vọng của kho tàng đáy biển. Muốn lấy Trường Sa thì TC phải thôn tính Hoàng Sa. Trong lúc VNCH còn phải lo trong nội địa thì TC cho Hải Quân đóng vai ngư phủ xâm nhập phía đông của quần đảo. Ðúng như vua Trần đã nói, chúng cứ gặm nhấm dần dần. Căn cứ vào địa lý nhân văn, căn cứ vào di tích lịch sử, căn cứ vào hiện trạng thềm lục địa, dứt khoát toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Nhưng đất nước đang chiến tranh, sức đâu mà có đủ phương tiện trấn giữ cả trăm hải đảo cô quạnh giữa trùng khơi. Vì vậy, thừa nước đục thả câu, các quốc gia lân bang xâu xé. Từ Tàu đỏ của Bắc Kinh cho đến Tàu vàng của Ðài Bắc. Rồi Mã Lai, Indo và Phi luật tân đều nhào vô giành hải đảo. Nhưng có kế hoạch và tham lam nhất vẫn là người Tàu. Từ Tàu ngày xưa cho đến TC ngày nay, mộng bá quyền của người phương Bắc luôn luôn là cơn ác mộng của phương Nam.

Đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đang kể lại trận hải chiến Hoàng Sa

Châu Chấu Đá Voi

Ngày 15/01/1974 chiến hạm HQ 16 lên đường ra Hoàng Sa đưa địa phương quân Quảng Nam ra thay phiên trấn thủ lưu đồn. Ngày 17/01 khi đổ bộ lên đảo đã gặp Hồng quân. Từ trước đến nay vẫn gặp dân đánh cá xua đuổi là chúng bỏ đi, những lần này lại là Hải Quân TC. Ðô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại tư lệnh Hải Quân vùng I cảm thấy chuyện bất thường. Nhân lúc tổng thống Thiệu ra kinh lý, nội vụ được trình trực tiếp.   Sau phần trình bày của vị tướng Hải Quân, ông Thiệu ngồi xuống lấy giấy bút viết tay trong 15 phút một bản văn lịch sử. Ðây là chỉ thị căn bản của trận hải chiến duy nhất đã xảy ra giữa Việt Nam và nước Tàu trong thế kỷ thứ 20. Tướng Thoại đã ghi lại trong tác phẩm "Can trường trong chiến bại" chương 16 đại ý như sau. Lệnh viết tay của trung tướng Thiệu chỉ thị áp dụng các biện pháp xua đuổi ôn hoà, bắn doạ cảnh cáo và sau cùng thì dùng vũ khí để bảo vệ lãnh thổ. Quyết không để mất một tấc đất nào. Tất cả mọi người hiện diện đều không có ý kiến. Các tướng lãnh và phái đoàn chính phủ tháp tùng không ai lên tiếng. Không có bàn thảo gì hết. Xem ra ông Thiệu hết sức cô đơn và cương quyết trong quyết định lịch sử rất có thể bùng nổ lớn mà không ai tiên đoán được. Vẫn theo bản tính của ông, không ra lệnh chi tiết về việc khai hoả. Không cần thảo luận về việc khả năng hùng mạnh của toàn thể Hải Quân TC. Chỉ riêng Hạm đội Hải Nam cũng có thể tung ra 10 chiến hạm phục kích vây chung quanh hạm đội Việt Nam và diệt gọn. Rõ ràng là một quyết định châu chấu đá voi, dựa trên tình tự dân tộc với mối thù từ ngàn năm trước. Sau cùng châu chấu cũng đành phải đá voi.

Hạm Đội Hà Văn Ngạc

Từ Sài Gòn đại tá Hà Văn Ngạc bay ra Ðà Nẵng nhận lãnh chức vụ chỉ huy cuộc chiến lấy lại Hoàng Sa. Ðô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại tiễn ông đại tá Sài Gòn lên HQ 5, mang hiệu kỳ soái hạm lên đường. Chia tay trên cầu tàu căn cứ Ðà Nẵng, ông Thoại viết lại rằng đôi mắt chiến hữu nhìn nhau, cùng cảm thấy sắp có biến cốÔ lịch sử. Lệnh phải bảo vệ đất nước được ghi rõ ràng từ tổng tư lệnh. Quân xâm lăng lần này đâu có dễ thuyết phục. Hoàng Sa là con đường đi xuống Trường Sa, mỏ dầu tương lai của cả Ðông nam Á. Hoa Kỳ lại xác nhận là không can thiệp. Giặc Tàu chắc chắn sẽ không bỏ đi. Lính thuỷ Việt Nam với 4 con tàu cũ sẽ lâm chiến trong hoàn cảnh hết sức cô đơn trên biển cả mênh mông. Từ tướng cho đến quân, ai nấy đều biết rằng phải khai hoả trước. Không thể bắn cảnh cáo doạ dẫm gì hết. Tiên hạ thủ vi cường. Ðiều quan trọng là khai hoả vào lúc nào và ai sẽ là người ra lệnh khai hoả. Ðại tá Hà Văn Ngạc xuống con tàu mang tên danh tướng Trần bình Trọng, phen này nếu chẳng may sa vào tay địch chắc lại phải làm quỉ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc.

Khói Lửa Biển San Hô

Buổi sáng hôm đó trời trong sáng, vào lúc 10 giờ thì tàu hai bên đã gần nhau. Bên địch bên ta kèm nhau từng chiếc một. Ngẫu nhiên mỗi bên đều có 4 chiến hạm. HQ 16 có HQ 10 bên tay mặt làm thành phân đội số 2. Soái hạm HQ 5 đi với HQ 4 là phân đội 1 vòng xuống phía đông nam đánh vào đảo Quang Hoà. Lập tức 2 tàu địch tách ra ứng chiến. Hoả lực của hai bên tương đương, nhưng tàu địch tối tân hơn, chạy nhanh hơn, thân nhỏ sàn tàu thấp tạo thành mục tiêu di động và nhỏ bé hơn chiến hạm của Việt Nam. Các vị chỉ huy của bên ta đều dự trù sẽ nổ súng trước khai thác yếu tố bất ngờ. Vả lại, địch là kẻ xâm lăng, chiếm đất ta, ta có quyền nổ súng. Lúc đó Trung Uý Ất 24 tuổi, ngồi trấn thủ cạnh cây đại bác quyết định chiến trường 125 ly nòng dài. Phía trước mặt là 2 tàu chiến của TC chế ngự trước đảo Duy Mộng. Trung Tá Lê Văn Thự với con tàu Lý Thường Kiệt đã xoay trở mấy ngày qua nên quen thuộc với khu vực đầy bãi đá ngầm với san hô. Pháo đội trưởng rất tin tưởng vào dàn xạ thủ nhiều kinh nghiệm với những năm yểm trợ hải pháo cho bộ binh vùng duyên hải Trung phần. Các hạ sĩ quan đều vững tay nghề và tinh thần hết sức cao. Cũng có thể chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Thực sự thì cả hai bên đều chưa hề có kinh nghiệm hải chiến trên biển cả. Sách vở và chỉ thị dùng đạn xuyên phá nhưng Trung Uý Ất cho nạp toàn đạn chạm nổ. Gần thế này mà xuyên phá thì hỏng hết. Phải chạm nổ mới có kết quả. Lại có lệnh bắn yểm trợ cho bộ binh trên đảo trước. Mấy bác hạ sĩ quan thâm niên đến bên cạnh thì thào vào tai anh Trung Uý trẻ. Ta cứ nhằm vào đài chỉ huy mà ra tay trước. Nếu cứ phơi mình ra mà bắn yểm trợ lên đảo thì chết hết còn đâu mà yểm trợ bộ binh. Nhớ lại chuyện 34 năm trước, ông Ất kể rằng, chúng tôi cứ hướng vào đài chỉ huy của tàu địch. Ðịch di chuyển là các nòng súng 125 và 40 ly theo sát. Phía bên địch cũng quay súng hướng về chúng tôi như vậy. Giây phút nghẹt thở kéo dài. Lệnh từ soái hạm cho HQ 10 bắn trước. Nghe tiếng nổ là các tàu khai hoả đồng loạt. HQ 16 hạ được một tàu địch và phía bên phân đội 2 của HQ4 và 5 bắn cháy một tàu. Ngay sau đó thì HQ 10 bị địch bắn xập đài chỉ huy. Trong hải chiến, mục tiêu chính là đài chỉ huy, nơi tập trung bộ phận lái tàu, hệ thống điện, truyền tin. Kế tiếp là dàn pháo của tàu địch. Phần còn lại nằm dưới mặt nươcÔ, phải tấn công bằng thuỷ lôi nhưng chiến hạm không được trang bị. Súng bắn qua lại như mưa. Trung Uý Ất thấy rõ hai chiến hạm địch bốc cháy. Bên HQ 10 có lệnh bỏ tàu, tình thế rất bi thảm. Cùng lúc đó HQ 16 bị trúng thương nặng, lệnh bỏ tàu đã ban hành những sau đã kịp thu hồi và cố gắng xoay trở để rời khỏi chiến trường. Hai chiến hạm của phân đội 1 cũng đã trên đường triệt thoải khỏi vùng hải chiến. Hai chiến hạm địch còn lại cũng bị thương nặng nên không đủ sức truy kích. Nếu không chắc chắn HQ 16 không thể tiếp tục chiến đấu để tồn tại. Con tàu chỉ còn một máy, không có điện phải vận chuyển bằng tay, cố lết ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Rời khỏi trận địa khoảng 11 giờ sáng, Đại Uý Ất còn nhớ lúc 3 giờ chiều chưa ra khỏi chiến trường. Nhìn về phía sau thật xa vẫn còn thấy chiến hữu trên đảo vẫy tay gọi tàu vào đón. Con tàu không còn khả năng tự xoay trở nên đã đành đoạn bỏ lại đoàn viên tuyệt vọng mỗi lúc một xa dần. Sang ngày hôm sau toàn thể hạm đội Hải Nam của TC mới ào ạt tiến đến và bắt tất cả các quân nhân của ta đem về lục địa. Sau đó trao trả tại Hồng Kông. Còn các chiến binh thả trôi trên bè cấp cứu đã nhờ ngọn gió Ðông thổi vào đất liền, trôi giạt cho đến khi tàu buôn và ghe chài vớt được trả về cho đơn vị.

Giấc Mơ Của Ðại Uý Ất

Trung Uý Ðoàn Viết Ất với chiến công trên HQ 16 trong trận Hoàng Sa đã được đặc cách lên Đại Uý. Chính vì cấp bậc này, cộng thêm khả năng lái tàu Mỹ, ông được cộng sản gia tăng thêm 3 năm thành 6 năm cải tạo. Khi ra tù, lại nhờ khả năng lái chiến hạm nên bà con móc nối cho lái ghe vượt biên mới có cơ hội trở lại vịnh Cựu Kim Sơn quen biết từ năm 70.

35 năm sau, bác Ất quê Nam Ðịnh ngồi nhớ lại hình ảnh con tàu HQ 10 nằm trên biển san hô. Biết rằng bây giờ ta đánh thì không lại quân Tàu, những vật đổi sao rời, cũng có ngày nước Tàu chia năm xẻ bảy. Việt Nam hậu sinh lấy lại được Hoàng Sa sẽ trục con tàu anh hùng lên làm thành một đài kỷ niệm như người Mỹ đã làm ở Trần Châu Cảng xứ Hạ Uy Di. Ai mà biết giấc mộng đó sẽ không phải là thực. Trong khi chờ đợi, Đại Uý Ðoàn Viết Ất sẽ cùng Đại Uý Hải Quân Phạm Bách Phi làm một sa bàn Hoàng Sa cho Viện Bảo Tàng để con cháu thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đến xem ông cha ta ngày xưa châu chấu đá voi ra làm sao.

Lệnh Khai Hoả

Khi đặt bút viết bài này có tựa đề là Lệnh Khai Hoả. Tác giả là một chiến binh lục quân chân đất, hoàn toàn không có kiến thức Hải Quân nên chỉ xin lạm bàn chút đỉnh. Lệnh khai hoả thực sự bắt đầu từ đâu và vào lúc nào? Ðô Đốc Kỳ Thoại viết trong chương sách về trận Hoàng Sa có ghi rằng đại tá Ngạc chỉ huy hạm đội xin ông lệnh khai hoả. Qua máy truyền tin tiếng súng bắn tại Hoàng Sa, đại tá Ngạc mở lớn cho ông Thoại nghe thấy. Bút ký của sĩ quan truyền tin trên HQ 5 cũng ghi rõ đoạn này. Tài liệu bằng Anh ngữ của đại tá Ðỗ Kiểm thuộc bộ tư lệnh Hải Quân Sài Gòn lại ghi rằng đại tá Ngạc điện thoại về xin lệnh khai hoả của đề đốc tư lệnh Hải Quân. Lúc đó tư lệnh đang trên đường bay ra Vùng I. Vì chuyện khẩn cấp nên đại tá Kiểm xin lệnh của đô đốc Diệp Quang Thuỷ có mặt tại bộ tư lệnh Sài Gòn. Nhận lúc họp bạn với anh em Hải Quân để viết lại câu chuyện làm phim, chúng tôi có dịp nói chuyện thêm chi tiết với đô đốc Thuỷ. Bây giờ đại tá Hà Văn Ngạc không còn nữa. Người viết chuyện tò mò muốn tìm hiểu đành phải suy nghĩ rằng trước khi nổ súng ông đã gọi bộ tư lệnh Hải Quân để xin phép trước. Qua Đô Đốc Diệp Quang Thuỷ ông được lệnh Sài Gòn. Sau đó ông cẩn thận xin lệnh Ðà Nẵng qua đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, và lệnh khai hoả bắt đầu. Tuy nhiên dù lệnh ra sao thì cũng chỉ qua giấy tờ và máy truyền tin. Lệnh khai hoả đích thực sau cùng trên chiến hạm bằng khẩu lệnh là của cấp uý như ông Trung Uý Ðoàn viết Ất. Lúc đó Trung Uý Ất mới 24 tuổi, dân Nam Ðịnh. Ông là người tin vào những chuyện số mệnh linh thiêng huyền bí. Dù rằng lệnh xuống theo hệ thống quân giai từ tổng thống, tư lệnh Hải Quân, tư lệnh Vùng, chỉ huy hạm đội, hạm trưởng rồi mới đến tai ông. Nhưng theo tiếng gọi từ nơi xa thẳm thì cái lệnh khai hoả đã bắt đầu từ vua nhà Trần. Bẩy trăm năm về trước Ðức Trần Nhân Tông đã ra lệnh bắn quân Tàu. Tư lệnh quân đội thời đó là Ðức Hưng Ðạo Đại Vương, Trần Quốc Tuấn. Có phải ngẫu nhiên hay không, vua quan nhà Trần thời đó cũng là người quê ở Nam Ðịnh, chẳng khác gì ông tỵ nạn vô danh Ðoàn Viết Ất ngày nay đang lưu lạc ở San Jose. Mỗi sáng vào sửa vài cái máy điện toán, bữa ăn trưa là lần cuối trong ngày. Chiều chiều ghé vào nhà con trai kèm bài cho cháu nội. Ông pháo thủ Hải Quân bỏ lại dàn đại bác từ hơn 30 trước ở cuối chân trời. Từ ngày đó đến nay chẳng bao giờ còn nghe thấy lệnh khai hoả của các cấp chỉ huy.

Được đăng bởi Phạm Viết Đào-Nhà văn vào lúc 18:22

Gửi Email Bài đăng Này BlogThis! Chia sẻ lên Twitter Chia sẻ lên Facebook Chia sẻ lên Google Buzz

Hảy xin sám hối

Sau 6000 năm tạm gọi là “văn minh, tiến bộ”. Loài người đã đạt được những “thành tích” sau đây:
-Vũ khí hạch tâm đặt trong các hầm chứa dư sức hủy diệt trái đất.
-Vũ khí vi trùng, hóa học nếu nói đến số lượng khiến nguời ta phải rùng mình.
-Tàu ngầm nguyên tử, hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân…đếm không hết.
-Thánh đường, nhà thờ, nơi thờ phượng mọc lên như nấm nhưng không khí hận thù, ngăn cách, nghi kỵ, ghét bỏ, khủng bố, bao phủ khắp nơi.
-Những Video và phim ảnh dâm ô, bạo lực, chỉ riêng Hoa Kỳ và Âu Châu, nếu gom góp và chất chứa lại còn cao hơn cả Hy Mã Lạp Sơn.
-Tại những nơi gọi là “linh thiêng, thánh thiện, nhân từ” nhất người ta đang cầu nguyện, van vái Thần Linh để bành trướng, để tăng thêm sức mạnh tiêu diệt kẻ thù hầu thống ngự nhân lọai.
-Con người, một lòai vật tinh khôn nhưng hung ác nhất, đang đối đầu với nguy cơ trầm luân, hủy diệt vì hận thù, tội ác và Vô Minh mỗi lúc mỗi cao dày.
-Phải chăng đã đến lúc tất cả chúng ta phải thành tâm sám hối?
-Là một thành viên trong cộng đồng thế giới, tôi không thể nói rằng tôi không có trách nhiệm gì đối với những khổ đau, bất ưng, nghịch lý, bất công, hiểm nguy đang xảy ra chung quanh tôi.
Kẻ tham lam không bao giờ thấy đủ.
Kẻ cay nghiệt không bao giờ biết tha thứ.
Kẻ hung bạo không bao giờ biết hối hận.
Kẻ tàn ác không bao giờ biết nhỏ lệ xót thương.
Kẻ ngu si không bao giờ biết mình sai trái.
Chỉ có kẻ thiện lương mới biết cảm thông với người khác.
Chỉ có người Trí Tuệ mới thấy mình lỗi lầm.
Nay tôi noi gương các Đức Phật, những vị Bồ Tát, các bậc Hiền Thánh, nhất là Ngài Phổ Hiền Bồ Tát có cả trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai, thành tâm sám hối những lỗi lầm mà tôi đã phạm:
- Tôi không phải chỉ ăn năn về những gì đã làm cho người còn sống mà cả những gì đã làm cho người đã chết.
- Sám hối ở đây không phải là sám hối với Trời, Phật mà là sám hối với Luơng Tâm, với Loài Người và cả với loài Thú Vật, Cây Cỏ và Thiên Nhiên. 
Nhớ lại khi còn quyền thế trong tay, nhân danh lý tưởng cao đẹp này nọ, tôi đã gây chiến, đã dùng bom đạn, mìn, hóa chất tàn phá bao nhiêu cây rừng tươi đẹp khiến chim muông tan tác, thú rừng hủy diệt, nguồn nước nhiễm độc, phụ nữ sẩy thai, trẻ em dị dạng, đàn ông tuyệt đường sinh dục, người  khai hoang vỡ đất què cụt vì đạn pháo, chông mìn.
Vì tham vọng phát triển, làm giàu mau chóng, tôi đã ra lệnh khai thác gỗ rừng, đào mỏ, phá núi một cách bừa bãi khiến gây cảnh sói mòn, lụt lội, dân tình khốn khổ. Rừng núi xanh tươi biến thành bãi cháy khô cằn.
Hoặc vì tham vọng bất chính, hoặc vì lơ đãng bất cẩn tôi đã đổ dầu trên biển khiến môi trường ô nhiễm, bao nhiêu loài cá, loài chim oan thác.
Để giúp thêm vào sự hào nhoáng của loài người, tôi đã giết bao nhiêu loài chồn, hải ly, gấu, thỏ, cừu…chỉ để làm áo khoác trang điểm dạ hội cho đàn bà.
Chỉ vì muốn nhậu nhẹt khoái  khẩu hoặc vì muốn tìm những phương thuật lạ để tăng cường sinh lý, tôi đã hủy diệt bao nhiêu lòai khỉ, hổ, báo, tê giác,voi, hươu, nai, hải cẩu, cá sấu, cá voi, rắn, kỳ đà v.v…Tôi còn ăn thịt cả lòai chó, ngựa là giống “khuyển mã chi tình” mà không hề biết xót thương.
Tôi đã san bằng, tàn phá bao nhiêu núi đồi để tìm vàng, kim cương, ngọc thạch để làm nữ trang cho phụ nữ.
Tôi cũng xin sám hối cả với những sắc tộc mà tôi đã tiêu diệt. Vì tham vọng bành trướng, vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vì muốn trở thành đế quốc, tôi đã tiến hành kế sách đồng hóa rất thâm độc các chủng tộc, các bộ tộc nhỏ bé mà tôi đã dùng vũ lực xâm chiếm. Còn đối với những quốc gia không thể tiêu diệt hoặc đồng hóa được, tôi đã chia cắt ra thành nhiều vùng theo chính sách “chia  để trị” khiến một dân tộc mà lại nghị kỵ, ghét bỏ nhau không sao hàn gắn được. 
Tôi đã thành lập các khu vực định cư, các khu tự trị v.v..để đan xen vào khu vực sinh sống của sắc dân thiểu số. Để làm đồn điền hoặc khai thác hầm mỏ, tôi đã xua đuổi họ vào những khu vực rừng xâu núi thẳm khiến họ không thể sinh sống và lần hồi diệt chủng. Tôi dùng những thủ đọan tinh vi, thâm độc như dụ dỗ, ép buộc họ phải theo ngôn ngữ của tôi, tôn giáo của tôi khiến ngôn ngữ và tôn giáo của họ lần hồi biến mất. Tôi đặt ra những luật lệ khắt khe khiến họ phải bỏ cách ăn mặc, phong tục tập quán lâu đời của dân tộc họ.
Tôi đã phá hủy những nơi thờ phượng linh thiêng của dân bản xứ để xây dựng nơi thờ phượng cho tôn giáo của tôi. Tôi bao che và lòe bịp nhân lọai bằng những mỹ từ như “Gieo Rắc Ánh Sáng” “Khai Sáng Văn Minh” nhưng thực chất chỉ là sự xâm chiếm, diệt chủng và thiết lập một đế quốc tinh vi. Tội lỗi của tôi chất cao như núi, nay dưới Suối Vàng bị Diêm Vương tra khảo, đau đớn không sao kể xiết, tôi xin thành tâm sám hối.
Tự nhận mình là người đi “khai sáng văn minh” cho nhân loại, tôi đã dùng pháo thuyền hùng mạnh đi săn lùng thuộc địa, cai trị các dân tộc yếu đuối bằng chính sách vô cùng dã man. Tôi săn bắt nô lệ ở Phi Châu, bán buôn đi khắp thế giới như buôn bán thú vật, hủy diệt tâm linh và văn hóa bản địa tại Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ…Tôi đã gây tạo tội ác ghê tởm trước lương tri nhân lọai, nay xin thành tâm sám hối.
Tôi còn nhìn về quá khứ lịch sử để sám hối cả với những bậc tiên hiền liệt sĩ, anh hùng dân tộc. Tôi đã cam tâm làm gián điệp cho ngọai bang, vẽ bản đồ chỉ điểm, dẫn giắt ngọai bang xâm chiếm đất nước tôi. Vì bả vinh hoa, vì cơm áo, vì yếu hèn, vì tráo trở, vì bội phản, tôi đã làm tay sai cho thực dân xâm lược, cho quan toàn quyền, thống sứ, cho sở mật thám để tàn hại, chia rẽ đất nước, gây tội ác nghìn đời không rửa sạch. Nhìn lại tội lỗi đó tôi vô cùng hổ thẹn và xin đê đầu sám hối.
Tôi sẽ sám hối cả ngày lẫn đêm, niệm nịêm nối liền không dứt. Tôi sẽ sám hối cho đến khi nào đầu óc trống trơn không còn gì để sám hối. Nhưng vì tội lỗi của tôi làm không sao nhớ hết cho nên tôi sẽ còn tiếp tục sám hối ở đời này, đời sau và nhiếu kiếp sau nữa, không bao giờ ngưng nghỉ.
Tôi xin sám hối từ lúc chưa lọt lòng mẹ. Chín tháng mang nặng đẻ đau, tôi đã gây bao buồn khổ cho Người. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời là lúc Mẹ phải chạy vạy lo toan từng muỗng cháo, cục đường, thìa sữa, từng chiếc tã trong cảnh nghèo túng mà tôi không biết. Khi tôi bắt đầu có một chút kiến thức thì tôi kiêu căng, chối bỏ quá khứ, dối cha, dối mẹ vòi vĩnh đủ thứ. Tôi ngang tàng cãi lời cha mẹ, tôi khóc lóc, ăn vạ cốt để mẹ cha chiều theo sở thích của tôi. Khi tôi bắt đầu cắp sách đến trường thì cha mẹ mừng một tí nhưng bao lo âu lại đổ dồn đến. Tôi trốn học, đàn đúm với bạn bè, không biết nhường nhịn anh chị em. Tôi không biết giúp đỡ việc nhà. Tôi trở thành gánh nặng, khổ đau, ai oán cho cả gia đình.
Là kẻ sinh ra trong trong cung vàng điện ngọc, nơi giàu sang phú quý hay từ các “đại gia” tôi học đòi thói trưởng giả ngay từ lúc ấu thơ. Tôi trưng diện những thứ không cần thiết cho tuổi học trò. Tôi gia nhập băng đảng xì-ke ma túy, vẽ bậy lên tường, lái xe ào ào trên đường phố, phá phách xóm làng, la cà vào các hộp đêm ăn chơi trác táng khiến hằng đêm Mẹ khóc hết nước mắt. Tôi gây tạo những xì-căng-đan làm náo động cả xã hội. Khi bắt đầu bước vào đời, tôi mải mê chạy theo danh vọng, theo thói ăn chơi trưởng giả, theo hình bóng của bao nhiêu thiếu nữ, quên mất giờ đây mẹ già tóc đã điểm sương cũng cần những lời hỏi han, an ủi.
Khi tôi thật sự bước vào đời thì Cái Tôi hoang đàng, cắt lìa cuống rốn, xa lìa tình tự, không biết gì về những giá trị đạo đức của cha ông, gặp phải tà sư, ngọai thuyết rồi chối bỏ hồn dân tộc. Rồi Cái Tôi đó quay cuồng trong cuộc sống đầy đam mê, dục vọng đã biến hiện thành nhiều hình tướng khác nhau, rồi cấu thành bao nhiêu tội lỗi như sau:
1)Là thương gia tôi chỉ biết có tiền và thủ đoạn làm giàu bất chính. Tôi đầu cơ tích trữ, buôn đồ giả, chế đổ rởm. Giá thành một tôi nói mười. Tôi móc ngoặc với các giới chức hoặc qua mặt chính quyền tăng giá khiến dân nghèo oán than. Tôi giả vờ không biết để “tính lố” (overcharged) để móc túi khách hàng mà khách hàng không hề hay biết. Tôi đóng góp vào sự tan nát của xã hội, sự suy xụp của nền kinh tế quốc gia, vào nạn tham nhũng của đất nước. Thỉnh thoảng tôi cũng giả vờ đóng góp thiện nguyện, cúng tiền cho giáo sĩ, để tỏ ra mình có đạo đức, nhưng thực chất chỉ để che mắt thế gian. Của cải tôi đầy kho, nhưng gia đình lại vô đạo đức, con cái hư hỏng. Nay chết đi tài sản không mang theo được. Dưới Suối Vàng bị Diêm Vương tra khảo, đau đớn vô cùng, tôi chỉ còn biết nhắn nhủ với vợ con, thân nhân rằng chỉ có sám hối, làm việc thiện, đem tài sản giúp đỡ người nghèo khó, mới có thể giải trừ bao tội lỗi mà tôi đã gây ra.
2) Là kỹ nghệ gia chế tạo vũ khí giết người, tôi tung tiền quảng cáo để bịt miệng báo chí. Tôi lobby, đút tiền cho dân biểu, thượng nghị sĩ để dìm chết các đạo luật kiểm soát vũ khí, khiến tội ác trên đường phố gia tăng, trẻ em năm sáu tuổi đã biết dùng súng giết người, học sinh đem súng vào trường bắn giết bạn bè thầy cô…giống như những phim ảnh của Hollywood. Tuy tôi trở thành tỉ phú, sống đời vương giả nhưng từng đêm, từng đêm mất ngủ, ác mộng chập chờn khiến tôi hiểu rằng chỉ có sám hối mới giải trừ bao ác nghiệp mà tôi đã phạm.
3)Là nhà sản xuất đồ chơi, tôi chế tạo các đồ chơi đầy dục tính và bạo động khiến đầu óc trẻ thơ bị ô nhiễm rồi đi vào đường xấu xa, tình tình hung hăng hiếu chiến. Chúng nó sẽ là cái Nhân tàn phá xã hội trong tương lai. Tôi tuy là người giàu có nhưng trong những giây phút lắng đọng tâm tư, phản quang hồi chiếu tôi thấy mình gây tạo quá nhiều nghiệp dữ. Nay xin đê đầu sám hối.
4)Là nhà làm phim ảnh, tôi làm những phim quái đản, đồi trụy, bạo động, gớm ghiếc… nói là để giải trí nhưng đầu độc thanh niên, thiếu nữ, người lớn trẻ em, từ từ biến con người thành loài quỷ, mất cả nhân tính, lấy giết người, hành hạ người làm vui, lấy trụy lạc là hạnh phúc, lấy tiền bạc là hãnh tiến và không còn biết xúc động với khổ đau của nhân thế nữa. May gặp thịên tri thức chỉ bảo cho, tôi giật mình kinh hãi vì mình đã trôi lăn trong ba ác đạo: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh mà không hề nay biết. Nay xin thành tâm sám hối và quay về nẻo chánh.
5)Là nhà thảo chương programmer, tôi đưa lên mạng lưới tòan cầu Internet những website khai thác tình dục trẻ em. Tôi kiếm sống bằng nghề xấu xa nhơ bẩn. Tôi là tội đồ của chính con cái của tôi. Tội lỗi của tôi còn ghê tởm hơn ma vương, quỷ dữ. Nay vì ẩm thực và chơi bời quá độ tôi bị chấn động tim và trở thành phế nhân. Trong nhà dưỡng lão lạnh lẽo không bạn bè, bà con thăm viếng, tôi cảm thấy tủi hổ và xin thành tâm sám hối.
6)Xuất thân từ xã hội lưu manh ăn bám xã hội, tôi chuyên làm nghề buôn bán gái điếm, xuất khẩu nô lệ tình dục, buôn bán xì-ke ma túy. Tôi sống trên thân xác của hằng ngàn cô gái ngây thơ vô tội. Nay thì tuổi đã già, hoặc vì băng đảng thanh tóan, hoặc bị chính quyền truy nã, thấm thía cảnh đời đen bạc, nhìn lại quá khứ xấu xa. Vì danh dự của chính mình và tương lai của con cháu tôi xin đê đầu sám hối.
7)Là chủ tịch của công ty cổ phiếu, tôi giả mạo giấy tờ, thổi phồng lợi tức để bán chứng khóan. Rồi gặp buổi kinh tế khó khăn, âm mưu bại lộ, tôi tẩu tán tài sản, lén lút bán cổ phần trước, rồi khai phá sản, khiến bao cổ đông trắng tay, tiền hưu trí mất hết khiến gây cảnh cười đau khóc hận. Chính tôi đã làm rối loạn thương trường, khủng hoảng tài chính quốc gia. Tôi là hiện thân của con ròi, con bọ trong bộ quần áo lịch sự, trong những chiếc xe hơi đẹp, trong những căn nhà lộng lẫy. Ngày nay trong cảnh tù tội, gia sản bị tịch thu, mới thấy tiền bạc là vô nghĩa và xin thành tâm sám hối.
8)Là nhạc sĩ, ca sĩ tôi sáng tác những bản nhạc ca ngợi thân xác thấp hèn, những lời lẽ dâm ô, thô tục. Mới mười lăm, mười sáu tuổi tôi đã biết trình diễn những màn gợi dục. Tôi ăn mặc hở hang, làm những động tác dâm dật rất lành nghề. Tôi rên rỉ, khóc lóc, uốn éo, để ru hồn thanh niên thiếu nữ ngây thơ. Người ta xưng tụng tôi là nữ hoàng nhạc Rock, nhạc Pop, nhạc Rap nhưng thực chất tôi chỉ là kẻ dâm đãng có một chút tài năng giúp thêm vào nạn thiếu niên mang bầu, bỏ nhà trốn học, xì-ke ma túy và tệ nạn xã hội. Nay tuổi đã già, nhan sắc tàn phai, cuộc đời ba chìm bảy nổi, nhìn lại những gì đã làm trong quá khứ tôi thấy ghê sợ và xin thành tâm sám hối.
9)Là nhà văn, nhà báo, ký giả, talkshow, thay vì nói lời trung thực, bênh vực người cô thế, tôi ngả theo cường quyền, thế lực tôn giáo hiếu chiến, hoặc vì đồng tiền, tôi bóp méo tin tức, bóp méo lịch sử, chụp mũ, bôi lọ, đánh phá người vô tội, không cho người oan ức có cơ hội biện minh. Nay trong lúc tuổi già bệnh họan, cái chết gần kề, quá khứ như một tấm gương đứng sừng sững trước mắt. Bao nhiêu tội lỗi hiện về - không thiếu một chi tiết - khiến tôi cảm thấy ray rứt, xấu hổ và thành tâm sám hối xin bạn bè, bà con xa gần, quần chúng thứ tha. Chỉ khi đó tâm hồn tôi mới có thể thanh thản để có thể thóat sanh về Cõi Trời An Lạc.
10)Là một con người có đời sống bình thường nhưng không phải tôi không phạm lỗi. Nhìn lại từ lúc vào đời tới nay, đã bao lần tôi nặng lời, chửi rủa, mắng nhiếc người ta, nói lời điêu ngoa dối gạt, man trá, ganh ghét, nói lời đâm thọc, nói lời hung dữ, gieo rắc hận thù, hoài nghi, đố kỵ tỵ hiềm, nói lời lừa mị, chụp mũ? Đã bao lần tôi gian lận thuế, giả mạo giấy tờ, làm chứng gian, xử án bất minh, làm giàu bất chính, phá hoại của công,  tâm địa nhỏ nhen, hành động ích kỷ, kiêu căng phách lối và miệt thị người khác? Đã bao lần tôi ỷ quyền ỷ thế đối xử bất công với cấp dưới, với công nhân, với người ăn người làm, lường gạt bạn bè, vu cáo, nói xấu kẻ thù ? Đã bao lần tôi dùng bí danh, biệt hiệu viết điện thư (email), bài báo nặc danh bôi lọ, đánh phá người khác? Đã bao lần tôi dửng dưng trước nỗi khổ đau, bất hạnh của người khác? Hoặc chính tôi là người gây ra bao khổ đau cho người khác? Tôi hiểu rằng những tội lỗi đó không một ai, không một  Thần Linh nào có thể rửa sạch cho tôi, không một giáo sĩ nào, dù với nghi thức cầu nguyện cúng tế bí hiểm, cũng không thể gội rửa hồn tôi. Chỉ với tấm lòng chân thành sám hối và làm việc thiện thì tội lỗi mới tiêu trừ - không phải ngay kiếp này - mà có thể còn kéo theo nhiều kiếp khác.

“Tội Tùng Tâm Khởi “, may nhờ thiện tri thức chỉ bảo cho, tôi mới ý thức được những tội lỗi đó
và hiểu rằng sám hối là gốc của thiện lương.
Sám hối là gội rửa tâm hồn mình trong trắng.
Sám hối là tu sửa tính tình.
Sám hối là gieo nhân lành cho kiếp sau.
Sám hối là sống thực với lòng mình.
Không sám hối làm lòng ta ray rứt.
Sám hối làm lòng ta thanh thản.
Sám hối khiến ta cao thượng lên.
Không sám hối khiến quá khứ đeo đẳng giống như tâm hồn bị xiềng xích.
Nếu mọi người cùng lúc cùng sám hối thì - cùng lúc họ trở thành anh em,
mọi thù hận trong quá khứ tiêu tan.
Che dấu quá khứ, che dấu tội lỗi, không sám hối thì nghiệp dữ
và thù hận cứ kéo lê từ kiếp này qua kiếp khác không sao dứt được.
Chúng ta phải thẳng thắn sám hối về những gì đã làm cho kẻ thù của chúng ta, những gì ta đã làm ngày hôm qua và cả thế hệ mai sau. 
Hãy sám hối về những hành vi nhỏ nhặt vi tế nhất và cả những gì xấu xa ẩn chứa bên trong cái gọi là "đạo đức, thánh thiện".
Hãy mổ xẻ ngay cả những hành vi gọi là "từ thiện" xem bên trong có ẩn chứa một mưu đồ dụ dỗ nào không ?
Có phải chúng ta CHO với lòng xót thương hay CHO với mưu đồ toan tính, bành trướng?
Có phải chúng ta đang xiển dương đạo đức hay phát triển một hệ thống quyền uy?
Có phải chúng ta muốn giải phóng tư tưởng cho nhân loại hay đang  trói buộc họ vào những gông cùm hữu hình và vô hình để thành lập một Đế Quốc Giam Hãm Linh Hồn ? Hãy sám hối cho đến ngọn ngành.
Hãy sám hối để con người cũ trong ta chết đi để hình thành một con người mới tốt lành hơn.
Hãy sám hối cho đến khi nào không còn gì để sám hối nữa.
Hãy sám hối niệm- niệm nối liền không dứt.
Các bậc hiền thánh trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai đều lấy sám hối làm đầu, lấy sám hối làm phương tiện tu hành, là phương thuật mở mang trí tuệ.
Sám hối là bài kinh hạnh phúc cao nhất.
Cùng lúc mọi người cùng sám hối là kiến tạo một nền Hòa Bình Vĩnh Cửu cho nhân lọai mà không cần phải dựa vào bóng dáng của Thần Linh.
Đào Văn Bình
(Tháng 11 năm 2554.PL - 2010.TL)