Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Lỗi thời và vô nhân đạo

ỗi thời và vô nhân đạo

Thứ bảy 22/09/2012 08:00

ANTĐ - Lỗi thời, phi lý, vô nhân đạo và bị cộng đồng quốc tế lên án, chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba dù gây ra những tổn thất rất nặng nề song vẫn không thể khuất phục người dân trên “hòn đảo tự do”.


Hàng chục nghìn người dân Cuba tham gia một cuộc tuần hành dọc bờ biển để phản đối 
chính sách bao vây cấm vận của Mỹ

Phát biểu ngày 20-9 tại buổi giới thiệu báo cáo hàng năm “Sự cần thiết của việc chấm dứt cuộc bao vây kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba”, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã lên án và tố cáo mạnh mẽ chính sách lỗi thời và vô nhân đạo của Washington. Theo ông, cuộc bao vây cấm vận hà khắc trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã gây những tổn thất không thể tính được cho nhân dân Cuba, đặc biệt là về y tế và lương thực, trong đó chỉ riêng về kinh tế cũng đã làm thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD. 
Cuộc bao vây cấm vận đã khiến Cuba gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn lương thực, thuốc men, thiết bị y tế và nguyên liệu sản xuất do buộc phải mua qua nước thứ ba khiến giá thành đội lên rất cao. Bộ trưởng Rodriguez nhấn mạnh, thiệt hại do chính sách bao vây cấm vận gây ra là vô cùng lớn và trở thành một gánh nặng đối với một nền kinh tế nhỏ như Cuba. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân và rào cản sự phát triển kinh tế-xã hội tại Cuba. 
Chính sách bao vây cấm vận thù địch của chính quyền Mỹ với Cuba chính thức bắt đầu từ tháng 2-1962 hòng bóp nghẹt cách mạng Cuba. Suốt hơn nửa thể kỷ qua, chính sách vô nhân đạo này không những không giảm bớt mà còn ngày càng hà khắc hơn. Một trong những bước “leo thang tàn bạo” này là Luật Helms-Burton ra đời tháng 3-1996 nhằm thắt chặt các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ chống Cuba. 
Theo luật được 2 ông nghị Jesse Helms và Dan Burton chống Cuba bảo trợ này, không chỉ có các công ty Mỹ mà bất kỳ giám đốc công ty nào trên thế giới làm ăn với Cuba cũng không được phép vào lãnh thổ Mỹ. Chính phủ Mỹ còn ép buộc chính quyền các nước thuộc khu vực Mỹ Latin và các nước thuộc khối NATO thi hành các biện pháp thắt chặt cấm vận chống Cuba, thậm chí đe dọa trừng phạt “bất kỳ nước nào” có quan hệ thương mại và trợ giúp Cuba. 
Chính quyền Tổng thống Barack Obama sau khi lên cầm quyền đầu năm 2009 dù có một số nới lỏng song chính sách bao vây cấm vận Cuba vẫn cơ bản không thay đổi, tiếp tục gây ra những thiệt hại lớn cho người dân nước này. Kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, số tiền mà các công ty nước ngoài phải nộp phạt vì vi phạm luật bao vây cấm vận đã lên tới gần 2,3 tỷ USD, trong đó chỉ riêng từ đầu năm 2012 đến nay con số này đã là 622 triệu USD. 
Cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba - một cuộc cấm vận toàn diện, phi lý, dài nhất và vô nhân đạo nhất trong lịch sử mà Washington áp đặt với một đất nước có chủ quyền - đã bị tuyệt đại đa số quốc gia trên thế giới phản đối, lên án mạnh mẽ. Trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ khoá 66 đòi huỷ bỏ chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba, 186 nước đã bỏ phiếu thuận, chỉ duy nhất có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống.
Bất chấp toan tính bóp nghẹt của cuộc bao vây cấm vận phi lý và vô nhân đạo, cách mạng Cuba vẫn hiên ngang, vững vàng trên “hòn đảo tự do”. Đất nước và người dân Cuba đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, đặc biệt là về y tế, giáo dục.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét