Châu Á đua nhau mua vũ khí Mỹ
Cập nhật: 13:12 GMT - thứ tư, 2 tháng 1, 2013
Nam Hàn mua RQ-4 "Global Hawk" của Mỹ để do thám Bắc Hàn.
Việc Hoa Kỳ bán chiến đấu cơ, hệ thống chống tên lửa và các loại vũ khí tốn kém khác cho các nước láng giềng của Trung Quốc và Bắc Hàn dường như cho thấy nhu cầu mua sắm lớn trong bối cảnh có căng thẳng trong an ninh khu vực, Reuters nhận định trong bài phân tích vào tuần này.
Tăng cường hiệp ước đồng minh, và các đối tác an ninh khác là ưu tiên của Tòa Bạch Ốc trong cái gọi là “chuyến hướng” về khu vực Thái Bình Dương do tranh chấp lãnh thổ tại khu vực, điển hình là tranh chấp chủ quyền biển liên quan tới Trung Quốc cũng như hệ thống tên lửa và chương trình hạt nhân tại Bắc Hàn.
Các bài liên quan
- Lệnh lục soát tàu ở Biển Đông có hiệu lực
- Nhật cáo buộc TQ vi phạm không phận
- Ấn Độ thận trọng về tranh chấp biển Đông
Chủ đề liên quan
Chiến lược chuyển hướng "sẽ dẫn đến cơ hội để phát triển cho ngành công nghiệp của chúng tôi để giúp trang bị cho các nước bạn", ông Fred Downey, Phó chủ tịch về an ninh quốc gia từ Hiệp hội Ngành Không gian vũ trụ, một tổ chức thương mại có hội viên là các công ty vũ khí hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết.
Hiệp hội này, trong dự báo được đưa ra cuối năm 2012, nói nhu cầu cho các hạng mục vũ khí đắt tiền của Mỹ dự kiến sẽ vẫn cao trong ít nhất vài năm tới.
Ngoài ra, những lo ngại về thực trạng Trung Quốc tăng chi cho quân sự sẽ dẫn tới nhu cầu dồi dào về vũ khí của Mỹ với khách hàng từ Nam và Đông Nam Á, theo đó bù đắp cho nhu cầu chững lại tại châu Âu.
"Chiến lược chuyển hướng về vùng Thái Bình Dương sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp vũ khí của chúng tôi và để giúp trang bị cho các nước bạn."
Fred Downey, Hiệp hội Ngành Không gian Vũ trụ
Hiệp hội này, với hội viên gồm các nhà cung cấp cho Bộ Quốc Phòng Mỹ như Lockheed Martin Corp (LMT.N), Boeing Co (BA.N) và Northrop Grumman Corp (NOC.N), không đưa doanh số dự báo cho năm 2013.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Ngũ Giác Đài, là nơi giám sát sự thực trạng tăng đột biến về hợp đồng vũ khí trên toàn thế giới dưới thời Tổng thống Barack Obama, cũng không đưa ra dự báo doanh số bán vũ khí.
Cơ quan này cho Reuters biết rằng doanh số bán hàng với các nước trong khu vực Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ có hoạt động quân sự tăng đến 13.7 tỷ USD trong năm tài chính 2012, tăng 5,4% so với một năm trước. Các hợp đồng như vậy có thể xem là đơn hàng trong tương lai.
Trong năm 2012, đã có khoảng 65 thông báo từ Quốc hội cho các giao dịch bán vũ khí cho nước ngoài được chính phủ giàn xếp với giá trị tiềm năng tổng cộng hơn 63 tỷ đôla.
Nhìn chung, Hoa Kỳ đạt thỏa thuận chuyển giao vũ khí trong năm 2011 với tổng giá trị 66.3 tỷ đồng, chiếm gần 78% tất cả các hợp đồng vũ khí trên toàn thế giới, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ.
Tổng doanh số 2011 tăng mạnh do một hợp đồng trị giá kỷ lục 33.4 tỷ USD với Ả rập Saudi và Ấn Độ đứng thứ hai với hợp đồng 6.9 tỷ USD.
Rupert Hammond-Chambers, tham gia tư vấn cho các công ty sản xuất vũ khí thông qua BowerGroupAsia, hãng tư vấn với 10 văn phòng trong khu vực, dự đoán ngân sách quốc phòng khu vực Đông Nam Á sẽ tăng đều đặn như biện pháp đối phó với động thái lấn át của Trung Quốc trong các vụ tranh chấp chủ quyền tại Nam Hải (Biển Đông) và và Đông Hải.
'Giảm gánh nặng'
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
Các cuộc bầu cử vào tháng 12 với phe bảo thủ, thân Mỹ ở Nhật Bản và Nam Hàn, lên nắm quyền, có thể sẽ đẩy mạnh thêm doanh số bán vũ khí, kể như để chứng minh rằng Hoa Kỳ đoàn kết với các đồng minh và đối tác của họ.
Chính quyền Obama nói rằng việc bán vũ khí là mục tiêu ngày càng quan trọng và có lợi về kinh tế và đồng thời khẳng định chiến lược bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn cầu.
Việc Hoa Kỳ bán vũ khí đóng vai trò củng cố quan hệ ngoại giao và thúc đẩy quan hệ đối tác lâu dài trong khi giúp đồng minh tự vệ tốt hơn.
"Việc bán vũ khí có khả năng làm giảm gánh nặng trên vai của chúng tôi", Andrew Shapiro, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng cường đối tác, cho biết trong một bài phát biểu ngày 05 tháng 12, 2012.
Bộ Quốc Phòng Mỹ đang triển khai nỗ lực tăng cường tình báo, do thám và trinh sát trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cũng đưa ra thêm các hệ thống do thám không người lái.
Những hoạt động đa dạng như vậy sẽ giúp ngăn chặn sự cố và sự hiểu lầm trong khi thúc đẩy hợp tác, Đô đốc Hải quân Samuel Locklear, tư lệnh quân lực Mỹ tại Thái Bình Dương, phát biểu tại một diễn đàn ở Washington.
Các nhà sản xuất vũ khí như Lockheed, Boeing, Northrop và Raytheon Co (RTN.N) mong đợi nhu cầu trong vùng đối với sản phẩm và dịch vụ của họ có thể giúp họ bù đắp cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng buộc của Bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra nhằm giảm thâm hụt ngân sách quốc nội.
Bốn công ty này có lợi thế để gặt hái nhiều nhất vì thế mạnh của họ là các thiết bị vệ tinh, radar, trạm theo dõi và tên lửa đánh chặn, ông Richard Whittington, nhà phân tích quốc phòng tại Drexel Hamilton, một hãng môi giới cho biết.
“Phi cơ tàng hình”
Mỹ đưa tàu chiến vào khu vực bao gồm cả Biển Đông.
Trong động thái có thể mở ra thị trường riêng và mới mẻ, chính quyền Mỹ vào tháng 12 đã chính thức đề xuất bán phi cơ do thám không người lái và thiết bị phụ kiện loại RQ-4 hay "Global Hawk" cho Nam Hàn trong hợp đồng mang lại 1.2 tỉ USD cho công ty vũ khí Northrop Grumman.
Phi cơ tàng hình không người lái Global Hawk có thiết bị cảm biến xuyên mây có khả năng chụp quét khu vực rộng của đối phương vào ban ngày hoặc trong đêm. Loại này sẽ giúp Nam Hàn giám sát Bắc Hàn.
Seoul đã quan tâm tới hệ thống Global Hawk trong hơn bốn năm. Tòa Bạch Ốc trì hoãn đề không bán cho tới nay, một phần vì sợ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực.
Việc Nam Hàn mua Global Hawk đánh dấu hợp đồng đầu tiên của nước này trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Australia, Nhật Bản và Singapore đều tỏ ra cũng quan tâm, theo công ty Northrop Grumman.
Nhật Bản trong khi đó nổi lên như đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong việc thiết lập lá chắn chống tên lửa đạn đạo thuộc mọi chủng loại và mọi quĩ đạo bay.
Hai ngày trước khi Bình Nhưỡng phóng hỏa tiễn mới đây, chính quyền Mỹ nói trước Quốc hội rằng Tokyo muốn mua hệ thống "Aegis" 421 triệu USD để nâng cấp cho một cặp tàu khu trục trang bị tên lửa có vệ tinh dẫn đường nhằm phòng vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Nâng cấp chiến đấu cơ
Nhật Bản đã chọn chiến đấu cơ F-35 để thay cho đời F-4.
Vũ khí tối tân nhất mà Hoa Kỳ chào bán hiện này là chiến đấu cơ Mỹ F-35 (Joint Strike Fighter) là loại phi cơ trốn radar do Lockheed Martin chế tạo, thuộc chương trình tốn kém nhất của của Lầu Năm Góc.
Nhật Bản đã chọn loại F-35 để thay đời già nua F-4 như là chiến đấu cơ chủ lực của họ từ nay trong hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ USD.
Singapore và Nam Hàn cũng đang cân nhắc giữa F-35 với loại phi cơ đối thủ là Eurofighter Typhoon và F-15 Silent Eagle. Nam Hàn muốn mua tới 60 chiếc F-35 với tổng trị giá hợp đồng hơn 7 tỷ USD.
Vũ khí của Mỹ bán cho Ấn Độ, nay lên tới 8 tỷ USD từ lúc gần như không có hợp đồng nào từ năm 2008, dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Ấn Độ có kế hoạch chi khoảng 100 tỷ USD trong thập niên tới để nâng cấp khí tài, một phần là để đối trọng với Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc từng có cuộc biên giới ngắn ngủi vào năm 1962.
'Mong mua từ lâu'
Trong khi đó, Đài Loan trang bị thêm cho toàn bộ 145 chiến đấu cơ F-16A /B hiện tại với hệ thống radar tiên tiến, thiết bị chiến tranh điện tử hiện đại và nâng cấp các loại thiết bị khác. Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng trị giá 1.85 tỷ USD để bắt đầu triển khai.
Tòa Bạch Ốc hiện cũng đang cân nhắc các lựa chọn nhằm giúp bổ sung cho lỗ hổng cho hệ thống chiến đấu cơ của Đài Loan trước lực lượng của Bắc Kinh, bao gồm cả khả năng bán chiến đấu cơ đời mới F-16C/D, là loại mà Đài Bắc mong muốn mua từ lâu.
Thiếu tướng quân đội Sampson Lee, lãnh đạo phái đoàn quân sự của Văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Washington, cho biết Đài Loan sẽ tìm cách đi mua các hệ thống phòng thủ để đáp ứng "các mối đe dọa quân sự liên tục."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét