Vào những ngày cuối của năm 2014, tình hình thế giới không có gì sáng sủa mà toàn là những biến động nguy hiểm không ai lường trước được. Chiến Tranh Lạnh Mới đã khởi đầu. Biên giới đối đầu Đông-Tây dần dần hình thành. NATO đang chuẩn bị chiến tranh với Nga. Trung Đông không chỗ nào yên, bom đạn tơi bời, chiến tranh tàn phá. Phi Châu Nigeria, Somalia, Nam Sudan nội chiến, Iraq, Afghanistan, Pakistan, Yemen…khủng bố hằng ngày. Những phần còn lại của thế giới chỗ nào cũng mua sắm thêm vũ khí, tăng chi phí quốc phòng- nhất các quốc gia Đông Nam Á. Trong một thế giới rối mù và hiểm nguy đó, nổi bật lên là hai bài báo mà có lẽ các chiến lược gia và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Úc Châu phải suy nghĩ.
1) Vào ngày 15/12/2104 Tạp Chí Forbes đưa lên bài viết “Hoa Kỳ Cần Bao Nhiêu Kẻ Thù? Quốc Hội
Đã Hy Sinh Sự An Nguy Của Hoa Kỳ Bằng Cách Áp Đặt Thêm Cấm Vận Nga” (How Many Enemies Does America Want? Congress Sacrifices U.S. Security With New Sanctions Against Russia) (2) Doug Bandow (3) viết: “Nếu Âu Châu và các thành viên của họ muốn đối đầu với Nga vì vụ Ukraine thì họ cứ làm. Nhưng Hoa Thịnh Đốn thì không nên can thiệp vào. Hoa Kỳ không cần thiết phải lãnh đạo cuộc đối đầu này khi lục địa Âu Châu có dân số và kinh tế lớn hơn Hoa Kỳ. Giờ hãy để Âu Châu tự làm chuyện khó khăn đó….Nay Quốc Hội dường như muốn biến Nga - như Mitt Rommey đã lỡ lầm nghĩ rằng Nga là kẻ thù số một của Hoa Kỳ. Putin có thể làm thế, chẳng hạn như vũ trang cho Syria và Iran với hỏa tiễn phòng không tiên tiến, bênh vực quyền của Teheran được tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân và ngăn cản việc tiếp vận cho Afghanistan của Mỹ. Tệ hại hơn, Putin có thể xích lại gần Trung Quốc hơn nữa. Có rất nhiều căng thẳng giữa Nga và Trung Quốc nhưng một yếu tố quan trọng khiến họ đoàn kết lại đó là: Sự đe dọa của Hoa Kỳ. Những nhà lập pháp dường như đã quên rằng một trong những mục tiêu nền tảng của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bằng cách quay lại thời kỳ Nixon là mở của cho Hoa Lục khiến tách Hoa Lục và Liên-xô ra làm hai. Nay Hoa Kỳ lại đóng vai Liên-xô trong khi Putin lại đóng vai Nixon. Thất bại trong việc thẩm định những khó khăn một cách đúng đắn, các nhà lập pháp thường đi tới giải pháp sai lầm. Bộ tham mưu của Obama đã và đang nỗ lực áp đặt ý muốn của mình lên Moscow. Khó có quốc gia nào trên thế giới mà Hoa Kỳ không thể dạy dỗ/thuyết giáo, cấm vận, bắt nạt, hay đe dọa. Nhưng Nga lại là một ngoại lệ.” Về tầm mức quan trọng của Ukraine, Doug Bandon nhận định như sau, “Trong khi Hoa Kỳ, đặc biệt là sắc tộc Ukraine lo lắng về số phận của Ukraine, nhưng nó không phải là mối lo an ninh nghiêm trọng của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng đã khá thuận thảo/chẳng có rắc rối gì khi Nga cai trị Ukraine nhiều thế kỷ. Ai cai trị Donbass (bao gồm Donesk và Lugansk*) thì cũng chẳng quan trọng lắm với Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng Ukraine nêu ra những quan tâm về nhân đạo, nhưng nó cũng chẳng khác mấy những nơi khác trên thế giới.”
Quả thật, hiện nay Hoa Kỳ có quá nhiều kẻ thù và trong tương lai rất gần, có thể ngày mai, Hoa Kỳ lại có thêm kẻ thù mới. Bao nhiêu kẻ thù thì vừa đủ? Liệu một siêu cường hoặc “võ lâm chí tôn” có thể tồn tại được khi nó có quá nhiều kẻ thù không? Theo RT News, cuộc thăm dò 68 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới của Worldwide Independent Network and Gallup cuối năm 2013 cho biết “Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình thế giới ngày nay” (U.S. is the greatest threat to peace in the world today). Cuộc thăm dò không phải chỉ trong các quốc gia thù nghịch mà ở cả các quốc gia đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cho thấy tinh thần chống Mỹ trên khắp thế giới như thế nào. Còn theo Fox News, sinh viên Đại Học Havard nói rằng “Hoa Kỳ nguy hiểm cho thế giới hơn là Nhà Nước Hồi Giáo ISIS” (Harvard students say U.S. bigger threat to world peace than ISIS).
2)Chỉ một ngày sau khi cuộc bắt giữ con tin tại một quán cà-phê thuộc trung tâm thương mại, tài chính Sydney kết thúc với ba người chết làm rúng động cả nước, Ô. Malcolm Fraser (4) - Cựu Thủ Tướng Úc đã đưa ra bài viết “Hoa Kỳ: Đồng Minh Nguy Hiểm của Úc Châu” (America: Australia's Dangerous Ally) đăng trên National Interest ngày 16/12/201 (5). Bài viết có đoạn: “Đây là lúc Úc Châu chấm dứt sự lệ thuộc có tính chiến lược vào Hoa Kỳ. Mối liên hệ với Hoa Kỳ từ lâu được coi như lợi lạc, nay trở thành nguy hiểm cho tương lai của Úc. Chúng ta đã giao quyền quyết định cho Hoa Kỳ khi nước Úc phải tham chiến. Cho dù Hoa Kỳ là quốc gia hoàn hảo và nhân từ nhất đi nữa thì tư thế này cũng không thích hợp/ không thể đi đôi với nguyên tắc chính thống của một quốc gia có chủ quyền. Chính sách lệ thuộc này đòi hỏi không những phải kính trọng mà còn tuân phục Hoa Thịnh Đốn, một chính sách không thể chấp nhận được cho một quốc gia (Úc *) mà sức mạnh và sự thịnh vượng đang tăng tiến và quyền lợi quốc gia buộc/nói rõ ràng là thân hữu, không thù hận trong sự giao hảo với các nước láng giềng, kể cả Trung Quốc. Có thể các học giả, các nhà hoạch định chính sách sẽ đau đớn khi tái lượng giá lại mối liên hệ này với Hoa Kỳ nhưng có bốn lý do chính khiến mối liên hệ này đã lỗi thời. Thứ nhất: Dù nói thế nào đi nữa/nói lung tung về sự thống nhất mục tiêu giữa hai quốc gia, sự thực là Úc Châu và Hoa Kỳ có sự khác biệt lớn lao về hệ thồng giá trị. Quan niệm “Hoa Kỳ là biệt lệ/ngoại lệ” trái hẳn với quan niệm”bình đẳng” của Úc Châu. Thứ hai: Chúng ta đã chứng kiến Hoa Kỳ hành động theo kiểu độc đoán, thiếu thận trọng và bốc đồng. Họ đã đưa ra một số quyết định kém thông tin, cố vấn tồi tệ liên quan đến Đông Âu, Nga và Trung Đông. Thứ ba: Giờ đây quân Mỹ đóng ở Úc Châu, nếu Hoa Kỳ gây chiến ở Thái Bình Dương thì họ cũng kéo chúng ta vào cuộc chiến mà không có quyết định độc lập của chúng ta. Sau hết: Với tình thế hiện tại, với bất cứ cuộc đối đầu nào tại Thái Bình Dương, mối liên hệ của chúng ta với Hoa Kỳ sẽ biến Úc Châu thành mục tiêu chiến lược cho kẻ thù của Hoa Kỳ (mà không phải kẻ thù của chúng ta *). Úc Châu chẳng lợi ích gì trong một vị thế như vậy.”
Không hiểu các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách Hoa Kỳ nghĩ gì về bài viết này nhất là nó phát xuất từ một cựu thủ tướng đồng minh chí cốt của Hoa Kỳ? Chắc thế giới còn nhớ sau khi tiến hành cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 với bao tổn thất về của cải và sinh mạng, Ô. Bush Con và Ô.Tony Blair đã bị chỉ trích nặng nề. Chính Ô. Obama đã đắc cử tổng thống nhờ lập trường chống chiến tranh Iraq mà dân Mỹ đã chán ngấy. Để biện minh cho cuộc xâm lăng, Ô. Bush Con tuyên bố, “Thế giới sẽ an toàn hơn khi Saddam Hussein không còn” (The world is safer without Saddam Husein.) Thế nhưng sau khi Ô. Saddam Hussein bị treo cổ, đất nước Iraq nát như tương và trên thực tế đã bị chia cắt ra làm ba dù Mỹ đã đổ vào đây cả nghìn tỉ đô-la, Anh Quốc 37 tỉ đô-la để xây dựng chính quyền của người Hồi Giáo Shia chiếm đa số. Phong trào và các tổ chức khủng bố lan rộng toàn cầu gấp năm, mười lần. Thời Ô. Saddam Hussein còn sống, đất nước Iraq không hề có một cuộc tấn công khủng bố nào. Ngày nay, không chỉ Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, Lybia, Syria… đau khổ vì các cuộc tấn công khủng bố mà các quốc gia Tây Phương như Anh, Pháp, Đức, Canada, Úc Châu giờ đây cũng đang “nếm mùi” khủng bố cũng chỉ vì theo Mỹ can dự vào cuộc chiến Iraq, Afghanistan, Libya và nay thêm Nhà Nước Hồi Giáo IS. Theo tin AP ngày 30/12/2014: “Nhà Nước Hồi Giáo đã kêu gọi người theo Đạo Hồi giết những kẻ không tin Đạo Hồi ở Phương Tây và Úc Châu.” (The Islamic State had called on Muslims to kills disbelievers in the West, including Australia)
Hiện nay Thủ Tướng Abbott của Úc là người “hăng hái” - có lẽ hăng hái nhất của thế giới Tây Phương trong việc theo Mỹ trong các cuộc chiến tranh của Mỹ trên quy mô toàn cầu. Ngoài việc can dự vào cuộc xung đột ở Trung Đông, Úc viện trợ quân sự và gửi cố vấn tới Ukraina, cho Mỹ đóng quân tại Darwin, nạp đơn xin gia nhập NATO. Do đó, đúng như nhận định của cựu Thủ Tướng Malcolm Fraser, ngay bây giờ chứ chưa nói khi nổ ra chiến tranh, Úc Châu đang là mục tiêu, kể cả hỏa tiễn nguyên tử của Nga và Trung Quốc nhắm vào.
Qua bài viết trên chúng ta thấy lối suy nghĩ của Ô. Malcolm Fraser thật đơn giản và giống hệt chuyện ngoài đời. Giả sử chúng ta có một người bạn thân. Ông này gây thù chuốc oán nhiều quá. Hơn thế nữa, ông bạn ỷ mình giàu có, quyền thế cho nên kiêu căng, phách lối, thấy mình là “biệt lệ/ngoại lệ ” có nghĩa mình là trên hết, mạng sống, quyền lợi, địa vị của mình, của gia đình mình, con cháu mình là quan trọng, còn của người khác thì như cỏ rác. Và oán thù cứ mỗi ngày chồng chất thêm thì - có lẽ đã đến lúc - không phải phản bội ông ấy - nhưng giã từ - tức “say goodbye “ với ông ấy…vừa về mặt đạo đức vừa để tránh hiểm họa cho bân thân mình.
Thế mới hay trên thế giới này, sự chọn lựa đồng minh có khi tốt nhưng có khi là thảm họa không biết chừng. Chẳng hạn như sự liên kết đồng minh của Đức-Ý-Nhật (Phe Trục) trong Thế Chiến II và mới đây nhất sự vội vã thiếu suy tính của Ô. Tony Blair theo chân Ô. Bush Con xâm lăng Iraq khiến để lại một di sản nhức nhối cho sự nghiệp chính trị của ông. Chính báo chí và các nhà lập pháp Hoa Kỳ phanh phui cuộc xâm hại Iraq hoàn toàn dựa trên tài liệu bịa đặt là Ô. Saddam Hussein có kho chứa vũ khí giết người hàng loạt khổng lồ và có liên hệ tới vụ tấn công 9/11.
Cõ lẽ bài báo của cựu Thủ Tướng Malcolm Fraser sẽ làm cho - không phải chỉ riêng Ô. Abbott - mà cả nước Úc nhức đầu vì nó liên hệ đến vận mệnh và giá trị nhân bản mà nước Úc theo đuổi.
Đào Văn Bình
(California ngày 31/12/2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét