Cơn nghiện đó thể hiện trước hết ở số lượng và quy mô cơ quan tình báo của
Mỹ. Đất nước “tự do” này có cả một cộng đồng tình báo gồm tới 16 cơ quan tình
báo khác nhau, theo dõi toàn diện cả trong và ngoài nước. Ngân sách cho cộng
đồng tình báo này không hề nhỏ chút nào. Riêng cái tên CIA đã trở thành thương
hiệu toàn cầu của Mỹ bên cạnh Gestapo của phát xít Đức, và KGB của Liên Xô.
Mỹ bắt đầu bị ám ảnh dữ dội về tình báo ngay sau Thế chiến thứ 2. Khi ấy,
Liên Xô đã không gục ngã trước mũi
nhọn tấn công của phát xít Đức như phương Tây mong đợi; ngược lại họ còn lớn
mạnh hơn bao giờ hết và tạo điều kiện cho phong trào cách mạng thế giới phát
triển mạnh mẽ chưa từng có.
Bản thân nhân dân Mỹ khi đó cũng nức lòng trước chiến thắng vẻ vang và chính
nghĩa của Liên Xô, nhiều người trong số họ - bao gồm các nhân vật nổi tiếng (như
Albert Einstein) - có cảm tình đặc biệt với Liên Xô. Các lực lượng cánh tả tại
Mỹ hoạt động sôi nổi, khiến nhà cầm quyền Mỹ nơm nớp lo sợ về cái họ gọi là
“gián điệp Liên Xô” và khả năng một cuộc cách mạng XHCN ngay trên đất Mỹ.
Trùm tình báo
Chính trong bối cảnh đó, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã ra đời. Năm khai
sinh tổ chức tình báo này (1947) cũng là năm mở đầu cuộc Chiến tranh Lạnh
(1947-1991) giữa 2 siêu cường của thế giới lúc đó. Nhiệm vụ của CIA là đối phó
với Liên Xô và ngăn chặn làn sóng theo gương Liên Xô không chỉ trong nước Mỹ mà
cả trên toàn thế giới.
Mỹ đã hậu thuẫn cho tướng Pinochet (của Chile) thiết lập chế độ độc tài quân
sự bằng cách tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử Salvador Allende
theo tư tưởng XHCN. Trong ảnh: quân đội Chile tấn công Dinh Tổng thống Allende
năm 1973 (nguồn: AFP)
Mặc dù ra đời muộn hơn rất nhiều so với mật vụ Gestapo của Đức và cơ quan
Cheka (tức Ủy ban Đặc biệt toàn Nga về đấu tranh chống phản cách mạng, đầu cơ và
phá hoại ngầm - tiền thân của KGB), nhưng CIA đã nhanh chóng trở nên khét tiếng
về quy mô hoạt động và mức độ can thiệp vào tình hình chính trị thế giới. Đội
ngũ của CIA không chỉ bao gồm các nhà phân tích và điệp viên, mà còn gồm các đơn
vị bán quân sự, các đội ám sát, và các cố vấn. Từ khi ra đời, CIA đã trực tiếp
tham gia thiết kế, chỉ đạo và hỗ trợ hàng loạt các vụ đảo chính lật đổ chính
quyền cánh tả ở nhiều nơi trên thế giới. Không những vậy, các chuyên gia CIA còn
huấn luyện các lực lượng phản động về kỹ năng và chiến thuật đàn áp phong trào
cánh tả và cách mạng ở Nam Mỹ và Đông Nam Á. Rất nhiều chiến sĩ du kích ở 2 khu
vực này đã bị giết chết một cách man rợ dựa trên các bài dạy của các “thầy” CIA.
Chiến tranh Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Cơ quan tình báo Mỹ đã dùng
nhiều thủ đoạn để dựng lên chế độ bù nhìn và khát máu Ngô Đình Diệm nhằm đàn áp
nhân dân Việt Nam và chia cắt lâu dài đất nước hình chữ S này. Nhưng khi ông
Diệm tỏ ra bất lực trong việc “ổn định” tình hình miền Nam Việt Nam, CIA đã
không ngại “thay ngựa giữa dòng”, xúc tác cho 1 cuộc đảo chính quân sự lật đổ và
giết chết anh em Diệm-Nhu.
Ngoài CIA là cơ quan tình báo độc lập trực thuộc chính phủ, Mỹ còn có gần
chục cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, 2 cơ quan tình báo thuộc Bộ Tư
pháp, 1 cơ quan tình báo thuộc Bộ Ngoại giao, và vài cơ quan nữa thuộc một số bộ
ngành khác.
Điều ngạc nhiên là, mặc dù đông đảo như vậy, được cung cấp nhiều tiền và
phương tiện hoạt động, lại có nhiều thành viên với “thâm niên chiến trường”,
nhưng cộng đồng tình báo Mỹ lại bị bất ngờ trước loạt vụ tấn công khủng bố ngày
11/9/2001, khiến nước Mỹ hứng chịu nhiều tổn thất lớn. Sau sự kiện 11/9 này, các
cơ quan tình báo chủ chốt như CIA, FBI đã bị chỉ trích dữ dội vì… quan liêu,
thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp.
Tuy bị chỉ trích, giới tình báo Mỹ tiếp tục nhận thêm các khoản đầu tư từ
chính phủ. Sau vụ 11/9, Mỹ đã thành lập thêm Bộ An ninh Nội địa, gồm 2 cơ quan
tình báo mới. Dưới “triều đại” của Tổng thống George W. Bush, các hoạt động nghe
lén và “đọc lén” của giới tình báo Mỹ được đẩy mạnh.
Hạ bệ Saddam Hussein
Một trong các “thành tích” đáng kể nhất của tình báo Mỹ hậu 11/9 có lẽ là các
“báo cáo” về vũ khí hủy diệt hàng loạt của ông Saddam Hussein – tiền đề cho Mỹ
lôi kéo đồng minh cùng tấn công Iraq vào năm 2003. Sau khi xua
quân xâm lược Iraq và lật đổ thành công Tổng thống Iraq Hussein, Tổng thống
Mỹ hồi đó đã phải thừa nhận các thông tin tình báo dùng làm cớ tấn công Iraq là
sai, không có cơ sở.
Sự việc này có thể được nhìn nhận ở 2 góc độ: Tình báo Mỹ hoặc quá kém về
nghiệp vụ, hoặc đã cố tình ngụy tạo bằng chứng, chờ khi “ván đã đóng thuyền” thì
mới nhận mình nhầm. Theo thời gian, ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ khả
năng thứ 2. Thực tế, trong cuộc chiến Iraq 2003, cơ quan đặc biệt của Mỹ đã nắm
rất tốt nội tình Iraq, tạo nền tảng cho quân đội Mỹ nhanh chóng thọc sâu và
giành chiến thắng chớp nhoáng.
Quân đội Mỹ và đồng minh oanh kích dữ dội thủ đô Baghdad (Iraq) trong cuộc
chiến năm 2003 nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein (ảnh: Reuters)
Có lẽ vì vậy mà gần đây, khi tình báo Mỹ liên tiếp tung ra các thông tin về
việc Tổng thống Syria Assad sử dụng vũ khí hóa học để chống lại phiến quân, công
luận thế giới tỏ ra khá thờ ơ và cho rằng không thể loại trừ đây chỉ là cái cớ
do Mỹ tạo ra để can thiệp vào Syria như đã từng làm với Iraq.
Theo dõi toàn thế giới
Giữa lúc chiến trường Syria đang nóng lên từng ngày thì Mỹ đột ngột hứng chịu
một quả bom scandal mới mang tên Snowden. Vị cựu nhân viên CIA này đã tiết
lộ với báo giới các bí mật động trời về các hoạt động theo dõi ngầm của chính
phủ Mỹ. Cụ thể, người bị đưa ra ánh sáng là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ
(NSA) – một tổ chức mật thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và độc lập với các cơ quan tình
báo khác cũng của Bộ Quốc phòng Mỹ. NSA về thực chất là cơ quan tình báo mật mã,
với 2 nhiệm vụ chính là (1) bảo vệ an toàn thông tin cho chính phủ Mỹ, và (2)
thực hiện hoạt động thu thập tình báo tín hiệu, bao gồm cả mã thám.
Vụ Snowden đã cung cấp thêm cái nhìn sâu hơn (nhưng không quá bất ngờ) về nỗi
ám ảnh tình báo của chính phủ Mỹ. Theo các tài liệu do Snowden tiết lộ, NSA đã
thực hiện giám sát điện tử đại quy mô đối với liên lạc điện thoại và internet
của chính công dân Mỹ. Không chỉ vậy, NSA còn mở rộng hoạt động theo dõi sang
các đồng minh châu Âu của mình, và nói chung là… toàn thế giới.
Vụ Snowden cho thấy, cùng với quân đội, bộ máy tình báo tiếp tục là công cụ
biểu hiện tập trung lợi ích của nước Mỹ, chính xác là giới tư bản Mỹ. Nói cách
khác, cả quân đội và tình báo Mỹ đều được chính trị hóa cao.
Nhìn lại lịch sử, ta thấy sau khi Liên Xô sụp đổ (kéo theo Chiến tranh Lạnh
chấm dứt), tình báo Mỹ vẫn tiếp tục tấn công nước Nga hậu XHCN, với nhiều vụ
căng thẳng về gián điệp. Theo loạt tiết lộ mới nhất của Snowden, Mỹ
theo dõi gắt gao cả đồng minh EU và các nước thành viên EU, chứng tỏ: Mỹ vẫn
theo đuổi mục tiêu siêu cường, và đối với Mỹ, lợi ích dân tộc và giai cấp cầm
quyền vẫn là số 1.
Vụ theo dõi EU cũng phơi bày 2 lớp đồng minh của Mỹ. Nhóm thứ 1 gồm các nước
thân cận Mỹ nhất thì chưa thấy dấu hiệu bị theo dõi (hoặc có “bị” nhưng ở mức độ
rất thấp), gồm các nước Anh, Canada, Australia, và New Zealand. Nhóm thứ 2 gồm
các đồng minh bị theo dõi một cách không thương tiếc là Đức, Pháp, Italy, Hy
Lạp,…
Tạp chí Der Spiegel của Đức dựa trên tài liệu của Snowden cho biết,
NSA đã xâm nhập tới nửa tỷ cuộc gọi, email và tin nhắn ở Đức mỗi tháng, và trên
phương diện tình báo, phía Mỹ coi Đức cùng hạng với các mục tiêu như Trung Quốc,
Iraq hay Saudi Arabia. Chính điều này khiến bà Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine
Leutheusser-Schnarrenberger phải thốt lên, “thật ngoài sức tưởng tượng, bạn bè
Mỹ của chúng ta lại coi châu Âu như kẻ thù vậy”.
Tổng hành dinh NSA - cơ quan tình báo tín hiệu lớn nhất của Mỹ và thế giới
(ảnh: lpwa)
Không phải ngẫu nhiên Mỹ lại dè chừng nước Đức đến thế. Trong lịch sử, Đức
luôn là “tay chơi” tầm cỡ về quân sự, kinh tế và công nghệ trên trường quốc tế,
thể hiện rõ trong cả Thế chiến 1, Thế chiến 2 và Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, Đức
vẫn là nền kinh tế lớn nhất của châu Âu và có ảnh hướng lớn nhất trong EU.
Trường hợp của Pháp cũng dễ hiểu, bởi Pháp là nền kinh tế lớn thứ 2 của châu
Âu, và có đường lối đối ngoại tương đối độc lập với Mỹ. Thời Tướng de Gaulle,
Pháp rút khỏi Bộ tư lệnh NATO, đồng thời bắt di dời Bộ Tư lệnh khối quân sự này
từ Pháp sang Brussels (Bỉ). Các căn cứ và lực lượng quân sự thuộc NATO nhưng
không phải là người Pháp cũng bị đưa ra khỏi lãnh thổ Pháp. Ngoài ra, Pháp luôn
tìm cách cạnh tranh ảnh hưởng với các nước nói tiếng Anh.
Trong vụ Snowden rùm beng vừa rồi, giới quan sát cũng dành sự chú ý cho Trung
Quốc, sau những
tranh cãi về tin tặc giữa nước này và Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tỏ ra
khá im lặng. Điều này có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố tế nhị về chính
trị. Hơn nữa, quan trọng hơn, có sự khác biệt cơ bản giữa vụ Snowden và các vụ
tin tặc Trung-Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc nhân dịp vụ Snowden đã chế giễu Mỹ là “nói một đằng
làm một nẻo”. Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc đã không chỉ ra sự khác biệt ở đây:
Mỹ chủ yếu cáo
buộc Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại và công nghệ quân sự (chứ không
phải giám sát điện tử), trong khi scandal Snowden là liên quan đến giám sát điện
tử. Chính Mỹ cũng thừa nhận họ thiên về tình báo, về chống khủng bố, và theo dõi
chính trị, với “khát vọng” dẫn dắt thế giới.
Bài học rút ra từ việc xem xét cộng đồng tình báo Mỹ cũng như vụ Snowden động
trời hiện nay là: Dù Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn hay bình phẩm về tự do, nhân quyền,
tôn giáo ở các nước khác, nhưng cái đó chỉ có giá trị… để tham khảo.
Bài học thứ 2 là, trong “thế giới phẳng”, thông tin an ninh quốc gia đứng
trước những thách thức rất lớn. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng
internet, “thế giới” trở nên “phẳng” nhưng vẫn “không phẳng” khi vẫn còn đó bao
mâu thuẫn, với tình trạng cá lớn nuốt cá bé và những cuộc tấn công thôn tính.
Các cường quốc sở hữu nền tảng công nghệ thông tin mạnh với các công ty tin học
tầm cỡ toàn cầu luôn chiếm thế “thượng phong” trong “cuộc chơi” này./.
Trung Hiếu/VOV online
Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét