Cuộc đảo chính sát hại anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu ngày 1/11/1963 rốt cuộc lại đẩy chính trường Sài Gòn vào một vòng xoáy "quần ngư tranh thực" mới giữa các viên tướng nhiều tham vọng nhưng lại thiển cận và đầy lòng phản trắc như một câu ngạn ngữ mới thịnh hành ở Sài Gòn hồi đó là "bạn nhà binh, tình nhà thổ", cùng các chính trị gia xôi thịt tài hèn sức mọn nhưng luôn luôn khao khát đục nước béo cò.
Chính vì thế nên trong hơn ba năm đã liên tục xảy ra những cuộc thanh trừng, chỉnh lý lẫn nhau giữa những kẻ đã chung tay xóa bỏ chế độ gia đình trị của họ Ngô. Rốt cuộc là một chính phủ dân sự đã được lập ra để xóa đi cái tiếng xấu là đám tướng lĩnh của cái gọi là quân đội Sài Gòn lật đổ Ngô Đình Diệm không phải vì muốn xóa bỏ chế độ độc tài mà chỉ vì tư lợi. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Trần Văn Hương cũng đã không làm được gì đáng kể để vãn hồi trật tự ở Sài Gòn.
Nguyễn Văn Thiệu là một trong những kẻ đã gặt hái được nhiều lợi lộc nhờ tham gia cuộc đảo chính ngày 1/11/1963. Từ ghế đại tá, ngay trong ngày 2/11/1963, ông ta đã được nhảy lên cấp thiếu tướng và là người đầu tiên trong đội ngũ quân nhân đảo chính được hưởng sủng lộc này với sự hỗ trợ đặc biệt của tướng Trần Thiện Khiêm, một trong những nhân vật trụ cột trong nhóm lãnh đạo đảo chính (theo nhiều nguồn tin, Trần Thiện Khiêm khi đó đã là một tay sai vô điều kiện của CIA).
Cũng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Trần Thiện Khiêm mà tới tháng 2/1964, khi nhóm tướng lĩnh chóp bu của quân đội Sài Gòn tiến hành "chỉnh lý", Nguyễn Văn Thiệu đã được đưa vào chức Tham mưu trưởng liên quân. Rồi ông ta được đưa đi làm Tư lệnh Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật từ tháng 9/1964 đến tháng 1/1965… Trên cương vị đó, Nguyễn Văn Thiệu đã lặng lẽ "ngọa sơn quan hổ đấu" để đợi thời cơ. Có thể nói là chính ở thời điểm đó, Nguyễn Văn Thiệu đã bộc lộ được sự khôn ngoan không tầm thường của mình để mặc dù tham gia cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 chỉ ở vai trò chiến thuật nhưng rốt cuộc, trong một thời gian ngắn, đã leo lên được vị trí hàng đầu trong bộ máy quyền lực ở Sài Gòn nhờ biết nhẫn nại náu mình đợi thời cơ.
Và thời cơ đó đã tới vào ngày 18/1/1965, như một dư chấn sau âm mưu khủng bố bất thành của một nhóm tướng lĩnh và chính phủ của Thủ tướng Trần Văn Hương do yếu thế đã buộc phải cải tổ lại để chia thêm bốn ghế cho những nhân vật quân sự là những người đã bày tỏ sự ủng hộ tướng Nguyễn Khánh khá rõ rệt. Đó là Nguyễn Văn Thiệu (giữ chức Đệ nhị Phó thủ tướng), Trần Văn Minh, tức Minh nhỏ (Tổng trưởng quân lực), Linh Quang Viên (Tổng trưởng Tâm lý chiến) và Nguyễn Cao Kỳ (Tổng trưởng Thanh niên thể thao). Đó cũng là lần đầu tiên Nguyễn Văn Thiệu xuất hiện ở Sài Gòn với tư cách một chính trị gia, chứ không chỉ như một viên tướng trận thuần túy.
Cuộc chỉnh lý "nửa chừng xuân" này vẫn không làm yên cái chính trường vốn đang chất chứa quá nhiều mâu thuẫn và âm mưu. Dưới tác động của nhiều xung lực vật chất và ý đồ khác nhau, tại đây đã liên tục diễn ra biểu tình, thậm chí gần như bạo động chống lại chính phủ. Nhóm tướng lĩnh chóp bu của quân đội Sài Gòn tranh thủ thời cơ và ngày 27/1/1965, cái gọi là Hội đồng quân lực Sài Gòn đã ra tuyên cáo nêu rõ, mặc dù "quân đội đã trả quyền từ ngày 27/10 cho phía dân sự nhưng tình thế mỗi ngày mỗi rối ren". Và ngày 28/1, chính cái Hội đồng quân lực đó đã gây sức ép và quyết định đẩy ông Trần Văn Hương ra khỏi chức Thủ tướng và để ông Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh làm Quyền Thủ tướng. Rồi ngày 16/2/1965, tướng Nguyễn Khánh, lúc đó đang giữ ghế Tổng tư lệnh cái gọi là quân đội VNCH, đã ký quyết định tuyển nhiệm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và bổ nhiệm ông Phan Huy Quát làm Thủ tướng thành lập chính phủ mới. Nguyễn Văn Thiệu đã được đeo lon Trung tướng từ ngày 18/1/1965, với tư cách một chính khách của cộng đồng tín đồ Thiên Chúa giáo tiếp tục được tham gia nội các…
Cách hành xử của tướng Nguyễn Khánh cũng vẫn không làm yên được không khí nóng bỏng của Sài Gòn. Tình hình ngày một rối như canh hẹ, khiến tướng Khánh đã bị chính các đồng đội nhà binh của mình nghi hoặc rằng, ông ta làm tung tóe mọi chuyện lên chỉ để tìm kiếm thêm cơ hội quay lại nắm quyền lực tối cao. Thế là ngày 20/2/1965, cái gọi là Hội đồng quân lực lại họp và quyết định thay thế tướng Nguyễn Khánh bằng tướng Trần Văn Minh làm Tổng tư lệnh quân đội Sài Gòn. Lúc này, nhóm tướng lĩnh trẻ hơn như Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Cao Kỳ… cảm thấy mình cũng đã bắt đầu đủ lông đủ cánh nên bày tỏ thái độ chống lại tướng Khánh mạnh mẽ và công khai hơn. Rốt cuộc là ngày 22/2/1965, tướng Khánh được bổ nhiệm chức Đại sứ lưu động và sau đó, đã phải rời khỏi Sài Gòn tha hương trong cái chức danh rất vô thực trên.
Trong bối cảnh này, Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành con bài đắc dụng. Trong giai đoạn này, Nguyễn Văn Thiệu đã thể hiện rõ bản tính khôn ngoan và tráo trở của mình. Ông ta đã biết khéo léo dụ Thủ tướng Quát giao quyền hành lại cho quân đội để ông, với tư cách là người có quân hàm cao nhất trong số những người tham chính, có thể trở nên lãnh tụ tuyệt đối ở Sài Gòn. Khi tướng Mỹ Westmoreland tới gặp ông, khi ông ta đang là Tổng trưởng Quốc phòng, ông ta đã làm ra vẻ vô tư và nói: "Các vấn đề chính trị phải để cho các chính trị gia giải quyết. Tôi chỉ là quân nhân thuần túy".
Ngày 3/3/1965, cái gọi là Hội đồng quân lực đã công bố thành lập Ủy ban thường vụ mà trong đó, chức tổng thư ký đã được dành cho Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu… Các chức vụ khác là: Ủy viên ngoại giao, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ; Ủy viên chính trị, Thiếu tướng Linh Quang Viên; Ủy viên an ninh, Thiếu tướng Phạm Văn Đổng; Phụ tá Tổng thư ký, Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao…
Năm ngày sau đó (8/3/1965), 1.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đã tới Đà Nẵng, nâng tổng số quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam lên 23 nghìn người (dưới chế độ Diệm, tổng số quân Mỹ tại đó là 17 nghìn).
Nguyễn Văn Thiệu thỉnh thoảng cũng làm ra vẻ quan tâm tới thuộc cấp
Ngày 23/3/1965, cái gọi là Hội đồng quốc gia lập pháp ở Sài Gòn ra tuyên ngôn tán thành việc Mỹ gửi thủy quân lục chiến sang tham chiến tại Việt Nam. Trong cơn bĩ cực, những kẻ chỉ coi danh lợi là trên hết đành phải bám lấy những cái cọng rơm được quan thầy chìa ra dẫu hiểu rất rõ rằng, làm thế càng lộ mặt tay sai ngoại bang và càng bị chìm sâu vào kiếp phụ thuộc ngoại bang.
Tới ngày 5/5/1965, biết là không thể bám mãi vị trí cầm chịch nên cái gọi là Hội đồng quân lực ấy đã tuyên bố tự giải tán để các viên tướng trở về với các đơn vị của họ. Ngày 25/5, Thủ tướng Phan Huy Quát cải tổ chính phủ nhưng những đấu đá nội bộ vẫn không chấm dứt. Đến mức, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cũng phải thú nhận công khai rằng ông ta không thể ký bổ nhiệm các nhân vật mới như những ông Nguyễn Văn Thoàn và Nguyễn Trung Vinh vì lẽ những người giữ các vị trí đó từ trước dứt khoát không chịu từ chức…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét