Cho tới cuối đời, Nguyễn Văn Thiệu vẫn không nguôi nỗi oán hận quan thầy mặc dù đã phải bó thân về ở trên đất Mỹ. Cựu phụ tá đặc biệt Nguyễn Văn Ngân nhận xét rằng, Tổng thống Thiệu "đã mang mối hận thù xương tủy người Mỹ đến tận cuối đời…".
Tay sai dưới búa
Cần phải thấy rằng, mặc dù tốn rất nhiều công và của để hà hơi tiếp sức cho chế độ tay sai ở Sài Gòn nhưng Washington chưa bao giờ muốn xuất hiện ở đây một chính thể độc lập. Có lẽ ở đây, ông Nguyễn Văn Ngân, nguyên trợ lý đặc biệt của Tổng thống Thiệu, cũng vốn là một tay sai cũ của Washington, đã chí lý khi nhận xét: "Người Mỹ đã thay thế người Pháp với chính sách thực dân mới. Vào thế kỷ XX người Pháp nhân danh khai hóa để khai thác tài nguyên thuộc địa, nay người Mỹ nhân danh dân chủ để khai thác xương máu người Việt Nam trong việc thiết lập một tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam Á của chủ thuyết Domino. Người Mỹ đến Việt Nam không vì quyền lợi người Việt Nam mà vì quyền lợi người Mỹ. Nền dân chủ mà người Mỹ xiển dương khi can thiệp vào Việt Nam là nền dân chủ được định nghĩa trong quyền lợi của Mỹ, một thứ phó sản được dùng làm bình phong để thực hiện chính sách chia để trị, thiết lập đạo quân thứ năm, khuyến khích tình trạng vô chính phủ, nội loạn… để dễ bề khuynh loát và khi cần thiết để thực hiện các cuộc đảo chính và ám sát lãnh tụ quốc gia bằng bàn tay của các tay sai bản xứ. Chính sách viện trợ hoàn toàn có tính cách tiêu thụ đã được sử dụng như lưỡi gươm Damoclès... Cũng chính sách viện trợ hoàn toàn có tính cách tiêu thụ như thế chỉ nhằm mục đích làm tê liệt ý chí đề kháng và nô lệ hóa…". Dễ hiểu là trong bối cảnh đó, chính quyền bản địa sống nhờ bằng viện trợ sẽ bị xem là công cụ của ngoại bang, không thể nào có chính nghĩa…
Dã tâm của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam là chỉ muốn xây dựng ở đây một thể chế nói sao nghe vậy theo đúng những toan tính chiến thuật và chiến lược của họ. Ai nghe lời họ thì họ ủng hộ, còn ai giở chứng thì họ cũng sẵn sàng loại bỏ ngay không thương tiếc.
Ngay từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, Washington đã nhanh chóng nhìn thấy trong Nguyễn Văn Thiệu một quân bài mới cho cuộc chơi tiếp theo của mình trong ván cờ Việt Nam. Người Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều để Nguyễn Văn Thiệu và đảng Dân chủ do ông ta lập ra chiếm được thế thượng phong trên chính trường Sài Gòn. Chính nhờ thế nên trong cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu ngày 4/9/1967, Nguyễn Văn Thiệu trong liên danh với Nguyễn Cao Kỳ dù chỉ giành được 34,8% số phiếu của các cử tri đi bầu nhưng vẫn trở thành tổng thống của cái gọi là nền đệ nhị cộng hòa. Để hợp thức hóa kết quả bầu cử trên, Quốc hội Sài Gòn đã họp lại bỏ phiếu với 58 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Sau vụ này, Chủ tịch Quốc hội Phan Khắc Sửu đã từ chức để phản đối nhưng cũng không thể đảo ngược được tình thế.
Washington đã múa tay trong bị vì đưa được các con bài của mình vào những vị trí trọng yếu nhất trên vũ đài chính trị Sài Gòn và không tiếc công tiếc của đổ vào hà hơi tiếp sức cho chế độ tay sai ở Sài Gòn và cũng là để thêm phần ràng buộc những kẻ nhận tiền. Sài Gòn trong thời cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu đã thực sự trở thành thuộc địa mới của Washington, như chính lời thú nhận sau này của Nguyễn Văn Ngân, nguyên phụ tá đặc biệt của Tổng thống Thiệu.
Tòa đại sứ tại Sài Gòn thực ra là một Chính phủ Mỹ ở hải ngoại với một hệ thống cố vấn dày đặc trong tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt từ trung ương tới địa phương của chế độ Việt Nam cộng hòa. Số lượng nhân viên CIA ở miền Nam Việt Nam khi đó đông chỉ sau trụ sở Trung ương đóng tại Langley bên nước Mỹ. Chi nhánh CIA ở Sài Gòn cũng là chi nhánh hải ngoại có nhân viên đông nhất trên thế giới. Ở thời điểm cao nhất đã có tới hơn nửa triệu lính Mỹ đồn trú ở miền Nam Việt Nam và trực tiếp tham chiến…
Tiếng gọi là tổng thống của một quốc gia độc lập nhưng trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Văn Thiệu thực ra chỉ là một kẻ tay sai luôn nằm dưới búa của các quan thầy Mỹ… Có thể hiểu được tâm trạng của Nguyễn Văn Thiệu khi ông ta, cũng theo chứng nhận của Nguyễn Văn Ngân, lúc còn ngồi trong dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu đã phải dùng tới 90% lượng thời gian trong ngày để tranh thủ và đối phó với các quan thầy Mỹ, mặc dù phạm vi xoay xở của ông ta mỗi ngày bị một thu hẹp lại. Lý do của việc này là vì chính sách của Washington là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sinh mạng của cái gọi là nền đệ nhị cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Chính Tổng thống Thiệu cũng đã có lần phải cay đắng thú nhận: "Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập!". Mỉa mai thay!
Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Văn Thiệu đã không ngần ngại bộc lộ bản tính khó chơi đầy bất trắc của mình, một khi ông ta cảm thấy có sự thay đổi nào đó bất lợi trong thái độ và hành động của quan thầy đối với ông ta. Nhưng cũng chính vì thế, quan thầy Mỹ đã không chỉ một lần định xóa sổ Tổng thống Thiệu…
Khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, tháng 3/1968, để lấy điểm với cử tri, Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson đã buộc phải tuyên bố ngừng bắn vô điều kiện miền Bắc Việt Nam và cam kết sẽ không tái tranh cử nữa để, như chính lời ông ta nói, "dồn sức cho những nỗ lực hòa bình". Và để tìm kiếm cơ hội thắng cử cho Phó tổng thống Hubert Humphrey của ông ta có thể vượt lên trước các đối thủ từ đảng Cộng hòa. Hà Nội lúc đó cũng đồng ý đàm phán với đối phương. Tuy nhiên, người đã chơi xấu ông Johnson lại chính là nhân vật mà ông ta đã góp phần dựng lên trong dinh Độc Lập.
Bản tính thích những trò chơi hai mang, Nguyễn Văn Thiệu một mặt tỏ ra thuần phục Johnson nhưng mặt khác đã có nhiều lần tiếp xúc với ứng cử viên Tổng thống Mỹ Nixon thông qua nữ thành viên trong nhóm vận động tranh cử Tổng Thống Nixon là bà Anna Chennault. Và khi cảm thấy có thể dùng mới để nới cũ, Tổng thống Thiệu đã tuyên bố ngay trước khi bầu cử ở Mỹ bắt đầu là chính quyền Sài Gòn sẽ không tham gia đàm phán ở Paris như đã định trước đó. Việc làm này đã được đánh giá như những điểm cộng rất đáng kể cho ưu thế của ứng cử viên Tổng thống Nixon và dồn ông Johnson vào thế bí và trong bộ sậu của ông này đã nảy sinh ra ý định hạ bệ Tổng thống Thiệu cho rảnh nợ. Người bộc lộ rõ nhất ý định này là Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford…
Theo sách "Khi đồng minh tháo chạy" (xuất bản năm 2005) của Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của chế độ Sài Gòn cũ, hiện giảng dạy tại một trường đại học ở Mỹ, người tự xưng là có những những quan hệ đặc biệt với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chính Tổng thống Thiệu đã kể lại rằng, ở thời điểm đó, trên đường từ dinh Độc Lập tới trụ sở quốc hội, ông ta đã hết sức lo sợ bị CIA ám sát nếu như Washington biết trước được về việc ông ta bác bỏ kế hoạch đàm phán hòa bình của Mỹ và phá hoại cơ hội thắng cử của Phó tổng thống Mỹ Humphrey. Ông ta thú nhận: "Và nếu họ muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ việc đổ cho Việt Cộng hoặc là do âm mưu đảo chính…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét