14:41, Thứ Ba, 22/12/2015 (GMT+7)
(VnMedia) - Washington đang "cực kỳ lo ngại” khi ngày càng có nhiều nước quan tâm và khát khao có được những hệ thống tên lửa phòng không tinh vi S-400 của Nga. Nhà phân tích Marco Maier đã nhận định như vậy trong bài báo viết cho tạp chí Contra Magazin.
Hệ thống tên lửa phòng không tinh vi S-400 |
Tên lửa S-400 vốn là một trong những vũ khí thiện chiến nhất, một “bảo bối” trong kho vũ khí của Nga. Trước đây, giới chức Moscow luôn bác bỏ khả năng xuất khẩu thứ vũ khí quý giá này của họ ra nước ngoài. Tuy nhiên, cách đây không lâu, Nga khiến nhiều người bất ngờ và choáng váng khi thông báo quyết định bán S-400 cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được mua tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga. Moscow và Bắc Kinh được cho là đã ký hợp đồng trị giá 3 tỉ USD hồi năm ngoái và theo đó Trung Quốc có thể nhận được lô hàng S-400 đầu tiên sớm nhất vào năm 2016.
Ấn Độ - nước láng giềng và cũng là kỳ phùng địch thủ của Trung Quốc – từ lâu đã khao khát bổ sung vào kho vũ khí khổng lồ của họ những hệ thống tên lửa phòng không “di động và cực kỳ hiệu quả” như S-400, ông Marco Maier cho biết. Thông tin gần đây rộ lên cho biết, Nga và Ấn Độ trong tương lai gần sẽ ký một thoả thuận, ước tính trị giá lên tới 6 tỉ USD. Theo đó, Ấn Độ dự kiến sẽ mua 5 đơn vị trung đoàn tên lửa S-400 của Nga.
"Washington không vui trước thực tế trên bởi S-400 có thể gây ra những tổn thất rất lớn cho lực lượng không quân của Mỹ và các đồng minh”, ông Maier phân tích.
Nếu ngày càng có nhiều nước đưa hệ thống tên lửa tối tân S-400 vào phục vụ trong lực lượng của mình thì Mỹ và các đối tác sẽ không thể tấn công vào những khu vực được bảo vệ bởi S-400 bằng những chiến đấu cơ thông thường, máy bay không người lái hay tên lửa, nhà phân tích Maier cho biết thêm.
"Nếu Iran hay Ấn Độ mua S-400, họ có thể bảo vệ không phận bao trùm cả Pakistan và Afghanistan. Đây là ác mộng đối với Lầu Năm Góc”, ông Maier kết luận.
Chia sẻ quan điểm với nhà phân tích Maier, ông Dave Majumdar – biên tập viên mảng quốc phòng của tạp chí Lợi ích Quốc gia (National Interest) cũng cho rằng, Mỹ không vui trước thực tế, S-300 và S-400 của Nga đang được đưa đi khắp toàn cầu.
Tình trạng phổ biến các hệ thống tên lửa phòng không thiện chiến hàng đầu như S-300 và S-400 có thể đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với Lực lượng Không quân của Mỹ và các đồng minh.
Theo ông Majumdar, “cả hệ thống vũ khí S-300 và S-400 đều có tính cơ động cao, có thể bảo vệ những khu vực rộng lớn. Là một vũ khí có hiệu quả cao, những tên lửa S-400 và S-300 có thể khiến cho lực lượng máy bay chiến đấu thông thường không tàng hình không thể xâm nhập vào toàn bộ một khu vực”.
“Vấn đề này sẽ ngày càng tồi tệ theo thời gian” khi các nước như Iran sẽ có trong tay các loại vũ khí như thế, ông Majumdar cho hay đồng thời thêm rằng nước cộng hoà Hồi giáo đã bắt đầu nhận được “một phiên bản của S-300"
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, một loạt các nước khác đều khát khao có được S-400, trong đó có một cái tên nổi bật là Ả-rập Xê-út.
Trong khi đó, dù là phiên bản trước của S-400, S-300 cũng được đánh giá là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù. Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.
S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét